(CTTĐTBP) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành văn bản đề nghị các Bộ, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện các giải pháp giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du các lưu vực sông trong mùa cạn năm 2024.
Theo Bản tin nhận định xu thế khí tượng thủy văn, hiện tượng EL Nino còn tiếp tục duy trì trong các tháng đầu năm 2024 với xác suất 90%, chưa có dấu hiệu xuất hiện mưa, lũ sớm năm 2024 ở Bắc Bộ. Dự báo từ nay đến tháng 6/2024, khả năng cao lượng dòng chảy trên các sông, suối và về hồ chứa trên các lưu vực sông ở mức thấp và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.
Cụ thể: dòng chảy trên các sông khu vực Bắc Bộ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 23-48%, riêng sông Thao thiếu hụt khoảng 73%, lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên lưu vực Sông Đà thiếu hụt từ 4-50%, Sông Gâm và Sông Chảy thiếu hụt từ 3-30% so với TBNN. Lượng dòng chảy trên các sông khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên thiếu hụt so với TBNN từ 20-40%, từ tháng 01 đến tháng 06 năm 2024, lượng dòng chảy trên các sông thiếu hụt từ 10-40%, một số sông khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên thiếu hụt trên 50%. Riêng các tháng mùa khô (từ tháng 3 đến tháng 6/2024) khả năng xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Dòng chảy đến các hồ lưu vực sông khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên thấp hơn hoặc xấp xỉ TBNN từ 5-54% tùy từng thời kỳ và từng lưu vực, trong đó: dòng chảy đến các hồ trên lưu vực Sông Cả, Mã thấp hơn TBNN từ 5-35%, Kôn, Ba thấp hơn TBNN từ 5-54%; Sê San và Srepok thấp hơn TBNN từ 5-25%...
Vì vậy, để chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước có thể xảy ra, bảo đảm cân đối đủ nguồn nước cấp cho hạ du các lưu vực sông trong mùa cạn năm 2024, đặc biệt là bảo đảm nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất trong thời kỳ nắng nóng, cao điểm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa lập kế hoạch, phương án huy động hợp lý các nguồn cung ứng điện, trong đó có điện mặt trời; xây dựng kế hoạch huy động, vận hành các nhà máy thủy điện cho phù hợp với hiện trạng và dự báo nguồn nước, các quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông để đảm bảo cân đối, hài hòa giữa an ninh năng lượng và an toàn cấp nước, đặc biệt không ảnh hưởng lớn đến chế độ dòng chảy và yêu cầu sử dụng nước ở hạ du. Đồng thời, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện phương án đề xuất vận hành linh hoạt các hồ chứa trong các quy trình vận hành liên hồ chứa gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định nhằm khai thác hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng thủy văn và nguồn nước, đánh giá cân đối nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi để điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp với diễn biến nguồn nước trên lưu vực sông; tính toán, lập kế hoạch lấy nước cụ thể phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân năm 2024; chủ trì, thống nhất với các cơ quan liên quan về thời gian cụ thể và phương án điều tiết nước cho hạ du theo hướng linh hoạt về thời gian lấy nước và yêu cầu mực nước hạ du sông, bảo đảm phù hợp khả năng lấy nước của công trình thủy lợi; hướng dẫn các địa phương khu vực hạ du thống nhất mùa vụ, thời gian lấy nước phù hợp với thời gian xả nước gia tăng của các hồ chứa theo kế hoạch, không để kéo dài thời gian lấy nước. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi phía hạ du rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước các hồ chứa và trên các lưu vực sông, đặc biệt là các công trình lấy nước dọc dòng chính và các hệ thống thủy lợi lớn ở hạ du tránh lãng phí nguồn nước trên các lưu vực Sông Hồng, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn và Sông Ba.
Bộ Xây dựng chỉ đạo các cơ quan chức năng, các đơn vị quản lý, vận hành các Nhà máy nước lớn, quan trọng có phương án rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước của các hồ chứa và trên các lưu vực sông, bảo đảm cấp nước an toàn cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ở hạ du các lưu vực sông, đặc biệt trên các lưu vực Sông Hồng, Vu Gia-Thu Bồn, Ba và sông Đồng Nai.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan chỉ đạo các tổ chức trực thuộc, các cơ quan liên quan lập kế hoạch sử dụng nước phù hợp trong điều kiện thiếu hụt nguồn nước; chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi và thực hiện việc lấy nước phù hợp với thời gian, kế hoạch vận hành xả nước của các hồ chứa thượng lưu; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong triển khai thống nhất mùa vụ, thời gian lấy nước phù hợp với kế hoạch vận hành xả nước của các hồ chứa; cải tạo, nâng cấp, bổ sung công trình để chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức lấy nước trong điều kiện nguồn nước có nguy cơ thiếu hụt trong thời gian tới. Đồng thời chỉ đạo các Sở, ban, ngành, các đơn vị quản lý, vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước phía hạ du thường xuyên theo dõi thông tin dự báo hình hình khí tượng, thủy văn, nguồn nước để vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước cho phù hợp, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước.
Các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa trên các lưu vực sông thực hiện việc theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng thủy văn, nguồn nước; chủ động tính toán, xây dựng phương án vận hành tích nước của các hồ chứa trong thời kỳ cuối mùa lũ và phương án vận hành điều tiết các hồ chứa đảm bảo nguồn nước cấp cho hạ du trong mùa cạn năm 2024 trên cơ sở tuân thủ quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa, đồng thời phải đảm bảo an toàn công trình, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và các công trình, kết cấu hạ tầng khác ở hạ du./.