Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025”. Tiếp tục triển khai mở rộng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm nâng cao tiện ích và hiệu quả cho công tác quản lý giáo dục. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông, liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai học bạ số, xây dựng cơ sở dữ liệu văn bằng, chứng chỉ hướng đến văn bằng số, chứng chỉ số.
Tăng cường các điều kiện bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, quản trị, dạy, học và nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, kiểm tra, đánh giá trong giáo dục; tiếp tục xây dựng hạ tầng số quốc gia về học tập, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành gồm: Bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động dạy, học và quản lý giáo dục đi cùng với phát triển các giải pháp bảo đảm an toàn môi trường học tập số; nâng cao năng lực số cho người học và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: chuyển đổi số trong dạy, học và đánh giá; chuyển đổi số trong quản trị các cơ sở giáo dục và xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục; tiếp tục triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục.
Trong đó, đối với nhiệm vụ chuyển đổi số trong dạy, học và đánh giá, các Sở GD&ĐT cần triển khai có hiệu quả Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Lưu ý triển khai một số nội dung sau: duy trì, khai thác sử dụng tối đa lợi ích của phần mềm quản lý học tập (LMS) trong hoạt động dạy học trực tuyến để trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học; tổ chức xây dựng học liệu số, đóng góp và khai thác sử dụng hiệu quả Kho học liệu dùng chung của Bộ trong tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá.
Đẩy mạnh đánh giá thường xuyên bằng hình thức trực tuyến; thực hiện đánh giá định kỳ trên máy tính đối với những nơi có nhu cầu và đảm bảo điều kiện tổ chức thực hiện. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ nhà giáo; ưu tiên bồi dưỡng các nội dung gắn với thực tế công việc. Rà soát, đầu tư mới, mua sắm bổ sung máy tính đáp ứng yêu cầu dạy môn Tin học; mua sắm thiết bị phục vụ xây dựng học liệu số và dạy học trực tuyến. Tiếp tục triển khai hiệu quả hệ thống thư viện điện tử (bao gồm phần mềm quản trị thư viện và cơ sở dữ liệu số hóa sách và tài nguyên phục vụ dạy học và nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ), kết nối liên thông với các kho học liệu số, chia sẻ tài nguyên số hóa giữa các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên. Triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn môi trường giáo dục số trong nhà trường.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT cần đảm bảo triển khai theo các giải pháp cơ bản như: kiện toàn tổ chức bộ phận phụ trách CNTT, chuyển đổi số và công tác thống kê giáo dục; triển khai đánh giá mức độ chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục theo Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Tăng cường công tác thể chế; đảm bảo nguồn lực triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số giáo dục; phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong giáo dục; xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, tối thiểu 30% số đơn vị trực thuộc được kiểm tra…