(CTTĐTBP) - Hiện nay, số vaccine Bộ Y tế tiếp nhận đủ để sử dụng tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm chủng và đủ để sử dụng tiêm 2 liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 6/2022. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc sống người dân trở lại bình thường, nhiều người có tâm lý ngại tiêm các mũi vaccine nhắc lại. Nhiều địa phương đã từ chối hoặc đề nghị điều chuyển số lượng lớn vaccine COVID-19 được phân bổ.
Tại Hội nghị tăng cường triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và phòng chống sốt xuất huyết do Bộ Y tế tổ chức ngày 13/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, sau hơn 1 năm tổ chức triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 - chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử ở nước ta, tính đến ngày 11/6, cả nước đã tiêm được hơn 223 triệu liều vaccine với tỉ lệ bao phủ liều cơ bản ở người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%, tỉ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 ở người từ 18 tuổi trở lên đạt 63,9% và 6,1%, tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 39,6%, mũi 2 đạt 5,5%.
Cũng tính đến nay, số ca mắc COVID-19 trên cả nước đã giảm mạnh, số mắc mới mỗi ngày hiện ghi nhận dưới 1.000 ca (thấp nhất trong hơn 10 tháng qua); tỉ lệ chết/mắc là 0,04%, giảm mạnh so với tỉ lệ 0,25% hơn 3 tháng trước đó).
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, việc triển khai đồng bộ và có được kết quả tiêm chủng mũi cơ bản cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên tại Việt Nam trong thời gian qua chính là cơ sở tạo điều kiện thuận lợi đưa đất nước ta trở lại trạng thái bình thường mới như hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không thể lơ là mà cần tiếp tục đẩy nhanh việc tiêm chủng các mũi tiếp theo.
Hiện nay, số vaccine Bộ Y tế tiếp nhận đủ để sử dụng tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm chủng và đủ để sử dụng tiêm 2 liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 6/2022.
Tuy nhiên, trong tháng 5 và đầu tháng 6/2022, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến với các địa phương đôn đốc tiến độ tiêm chủng và ban hành nhiều công điện gửi các địa phương về việc tăng cường tiếp nhận và triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 nhằm đạt các mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ bao gồm hoàn thành tiêm mũi 3 cho đối tượng cần tiêm, tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II/2022, nhưng đến nay, tiến độ tiêm chủng ở nhiều địa phương, trong đó các tỉnh khu vực miền Nam còn chưa đáp ứng được theo chỉ đạo.
Khó khăn khi triển khai tiêm mũi nhắc lại
Theo đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), những khó khăn khi triển khai tiêm chủng mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) ở người lớn trong giai đoạn hiện nay là do việc triển khai chủ yếu do ngành y tế tổ chức thực hiện, thiếu sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể như giai đoạn đầu của chiến dịch.
Thứ 2 do sự chủ quan của người dân trong bối cảnh số ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong ở mức rất thấp, nhiều người đã mắc không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo vì cho rằng đã có miễn dịch bảo vệ tự nhiên, tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết.
Thứ 3, hạn sử dụng vaccine COVID-19 chỉ từ 6-9 tháng trong khi lịch tiêm các mũi nhắc lại phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu với mũi tiêm trước đó, vì vậy có nhiều khó khăn trong việc lập kế hoạch cũng như huy động đối tượng tiêm.
Thứ 4, một bộ phận người dân chủ quan cho rằng, COVID-19 không còn nguy hiểm.
Riêng đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, các bậc cha mẹ vẫn còn e ngại về phản ứng sau tiêm, lo sợ ảnh hưởng lâu dài của vaccine đến sức khỏe của trẻ; các trường hợp trẻ mắc bệnh hầu hết ở mức độ nhẹ cũng dẫn đến tâm lý chủ quan của các bậc phụ huynh cho rằng tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ là không cần thiết; việc rà soát đối tượng trẻ không đi học, trẻ nhỏ tại các vùng di biến động theo bố mẹ đi làm… cũng gặp nhiều khó khăn...
Tại sao phải tiêm mũi nhắc lại?
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện nay bệnh COVID-19 chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc cũng như độ tuổi trẻ em thuộc đối tượng của chương trình tiêm chủng mở rộng chưa có quy định phạm vi và đối tượng phải sử dụng vaccine và sinh phẩm y tế bắt buộc theo tình hình dịch. Nguyên nhân là do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nên triển khai tiêm vaccine tự nguyện, hơn là bắt buộc.
Việc tiêm vaccine không phải là bắt buộc, tuy nhiên ngành y tế khuyến khích việc tiêm vaccine đối với tất cả người dân. Theo lý giải, các trường hợp tử vong do COVID-19 chiếm khoảng 80% không tiêm vaccine hoặc không tiêm đủ mũi, phần lớn các ca tử vong ở lứa tuổi cao, có bệnh nền.
Một lý do khác cần phải tiêm các mũi vaccine COVID-19 nhắc lại là thực tế hiện nay cho thấy, virus gây bệnh COVID-19 vẫn luôn biến đổi và xuất hiện những biến chủng mới, khó lường. Ở nước ta hiện nay, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng vẫn ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày. Bệnh COVID-19 lại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy, vaccine vẫn rất cần thiết trong việc bảo vệ con người khỏi những diễn biến khó lường của dịch.
Đặc biệt, theo các đơn vị chuyên môn và sản xuất vaccine, việc tiêm vaccine phòng bệnh không phải duy trì lâu dài hoặc tồn tại mãi trong cơ thể con người, mà nó sẽ giảm theo thời gian và dần dần sẽ mất khả năng bảo vệ. Do đó, việc tiêm vaccine COVID-19 mũi nhắc lại càng cần thiết.
Theo đánh giá mới nhất của WHO, đến thời điểm hiện tại "đại dịch COVID-19 chưa kết thúc". Tổ chức này vẫn có các báo cáo diễn biến dịch, sự biến đổi, tiến hóa của virus SARS-CoV-2. Hiện, nhiều nước cũng đã triển khai mũi tiêm thứ 4 vaccine phòng COVID-19 để tăng cường khả năng bảo vệ người dân trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới./.