(CTTĐTBP) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị và địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý, khai thác sử dụng, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo phạm vi, trách nhiệm quản lý đối với quốc lộ, đường bộ cao tốc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý, khai thác sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo chỉ đạo của Bộ GTVT tại Văn bản số 10142/BGTVT-KCHT ngày 11/9/2023 về việc quản lý Nhà nước đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Đồng thời, giao Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại dự án xây dựng Luật đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, hiệu quả thi hành pháp luật đối với các nhiệm vụ nêu trên. Rà soát các nội dung đã và đang phân cấp của Cục Đường bộ Việt Nam cho các Khu Quản lý đường bộ, Sở GTVT, các đơn vị trực thuộc nhằm bảo đảm việc phân cấp nhiệm vụ được chặt chẽ, đồng bộ, không có khoảng trống trong quản lý; đảm bảo các nhiệm vụ đã và dự kiến phân cấp sẽ được các đơn vị triển khai hiệu quả, kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật, giúp nâng cao chất lượng trong công tác quản lý, khai thác sử dụng, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan của công tác bảo dưỡng thường xuyên để thực hiện thu thập, cập nhật và số hóa số liệu hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác lập kế hoạch bảo trì công trình đường bộ.
Với trách nhiệm là cơ quan quyết định đầu tư các dự án bảo trì đường bộ trên quốc lộ, đường bộ cao tốc do trung ương quản lý, hàng năm tổ chức lựa chọn một số dự án bảo trì đường bộ trên quốc lộ, đường bộ cao tốc để triển khai kiểm định xây dựng nhằm đánh giá chất lượng dự án theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ; kinh phí thực hiện từ chi phí quản lý dự án hoặc các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả kiểm định xây dựng, báo cáo kết quả về Bộ GTVT nhằm đánh giá tình hình thực hiện công tác bảo trì đường bộ tại các đơn vị và triển khai xây dựng kế hoạch bảo trì công trình đường bộ của năm tiếp theo.
Tiếp tục rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, các bất cập về tổ chức giao thông nhằm nâng cao điều kiện an toàn giao thông đối với quốc lộ. Chỉ đạo các Khu Quản lý đường bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT, chính quyền địa phương các cấp để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên quốc lộ, đường bộ cao tốc.
Sở GTVT các tỉnh, thành phố, Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai tham mưu cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp tăng cường công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ trên quốc lộ, đường bộ cao tốc đi qua địa bàn tỉnh và đường địa phương. Chủ trì phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ triển khai xử lý dứt điểm các vi phạm phát sinh xảy ra trên phần đất của đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông. Đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ đất dành cho đường bộ, phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ theo quy định; chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý về đất đai, tài nguyên của địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng ngành GTVT trong quản lý đất đai nơi có tuyến quốc lộ, đường bộ cao tốc đi qua, bảo đảm sự đồng bộ trong quản lý kết cấu hạ tầng giao thông với quản lý, sở hữu đất đai, cơ sở hạ tầng của địa phương.
Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện kịp thời các vi phạm quy định về quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đất hành lang an toàn đường bộ; phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép đất của đường bộ, đất hành lang an toàn đường bộ, xử lý điểm đấu nối trái phép trên quốc lộ; thường xuyên theo dõi kết quả xử lý; đôn đốc, phối hợp với chính quyền địa phương cấp cơ sở để xử lý dứt điểm. Tăng cường các giải pháp quản lý để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác bảo dưỡng thường xuyên; rà soát, phát hiện kịp thời các tồn tại, hạn chế để khắc phục ngay trong quá trình triển khai các dự án bảo trì công trình đường bộ, nhằm bảo đảm chất lượng công trình khi đưa vào khai thác. Theo phạm vi, trách nhiệm quản lý, tiếp tục rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, các bất cập về tổ chức giao thông nhằm nâng cao điều kiện an toàn giao thông đối với quốc lộ và đường địa phương./.