(CTTĐTBP) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 16/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.
Theo Nghị quyết, UBND các tỉnh Thái Bình, Cao Bằng chịu trách nhiệm trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án tương ứng với các nội dung quy định tại Phụ lục I của Nghị quyết số 106/2023/QH15. Việc lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, triển khai các dự án thực hiện theo quy định hiện hành.
Bố trí toàn bộ kế hoạch vốn để thực hiện các dự án theo quy định
UBND các tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường bộ tại Điều 3 của Nghị quyết số 106/2023/QH15, trước ngày 15/02/2024, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giao cơ quan chủ quản để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cá biệt giao UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đối với các dự án tại Phụ lục II của Nghị quyết số 106/2023/QH15; giao một UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công đối với các dự án tại Phụ lục III của Nghị quyết số 106/2023/QH15.
Bảo đảm năng lực hoạt động xây dựng của cơ quan, tổ chức và năng lực hành nghề hoạt động xây dựng của các cá nhân tham gia thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng như đã cam kết.
Bố trí toàn bộ kế hoạch vốn để thực hiện các dự án theo quy định để hoàn thành các dự án, dự án thành phần đúng tiến độ như đã cam kết. Trường hợp phát sinh các yếu tố làm tăng quy mô, tổng mức đầu tư dự án, địa phương chịu trách nhiệm bố trí vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác (đối với phần tăng thêm) để triển khai hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đã cam kết.
Chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo trì đối với tuyến đường bộ trong quá trình đầu tư nâng cấp, mở rộng.
Đối với các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư tại Phụ lục II, Phụ lục III của Nghị quyết số 106/2023/QH15, sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao làm cơ quan chủ quản nêu tại khoản 1 Điều này, các địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư trong thời gian có hiệu lực của Nghị quyết số 106/2023/QH15.
Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và pháp luật có liên quan; thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được giao làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án; kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí; chịu trách nhiệm về đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản.
Chịu trách nhiệm toàn diện trong việc triển khai dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng
Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan quy định tại Nghị quyết này; trường hợp cần thiết, chủ động, kịp thời hướng dẫn cụ thể việc thực hiện.
Theo dõi, đánh giá, giám sát kết quả thực hiện theo lĩnh vực quản lý; báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm kể từ ngày Nghị quyết số 106/2023/QH15 có hiệu lực và báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 106/2023/QH15 trước tháng 8 năm 2025 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 106/2023/QH15.
Đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, chính sách quy định tại Nghị quyết của Quốc hội.
Khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý triển khai thực hiện; làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền về các chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 106/2023/QH15; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "xin-cho", gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực đối với người dân, doanh nghiệp; chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xử lý những vướng mắc phát sinh.
Thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với tập thể, cá nhân gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp; trì trệ, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Chịu trách nhiệm toàn diện trong việc triển khai dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, khả thi, đồng bộ.
UBND các tỉnh/thành phố hướng dẫn nhà thầu thi công thực hiện lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác trước khi tiến hành khai thác.
Căn cứ điều kiện thực tế để xem xét, hướng dẫn nhà thầu thi công quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 106/2023/QH15 tự lập đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông đối với mỏ cát, sỏi lòng sông nằm ở đoạn sông, suối có nguy cơ sạt lở cao bảo đảm tuân thủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Nhà thầu thi công chịu trách nhiệm đối với kết quả đánh giá.
Thực hiện theo thẩm quyền tại Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ đối với giá vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ giao nhà thầu thi công khai thác theo cơ chế đặc thù quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 106/2023/QH15. /.
Link://baochinhphu.vn/trien-khai-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-thi-diem-mot-so-chinh-sach-dac-thu-ve-dau-tu-xay-dung-cong-trinh-duong-bo-102240128191058469.htm