1. Về nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân
Luật Biên phòng Việt Nam xác định cụ thể 05 nội dung cơ bản xây dựng nền biên phòng toàn dân và 04 nội dung xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, cụ thể:
- 05 nội dung cơ bản xây dựng nền biên phòng toàn dân, gồm:
+ Xây dựng, tổ chức thực hiện Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự và kế hoạch phòng thủ ở khu vực biên giới;
+ Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở khu vực biên giới;
+ Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, quân sự, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biên phòng;
+ Xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân vững mạnh, rộng khắp; xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại;
+ Xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
- 04 nội dung cơ bản xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, gồm:
+ Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, bố trí các cụm dân cư đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới;
+ Xây dựng công trình phòng thủ liên hoàn, vững chắc; tổ chức, bố trí lực lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ biên phòng;
+ Phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, lực lượng phát huy sức mạnh tổng hợp, kịp thời xử lý các tình huống ở biên giới, khu vực biên giới;
+ Tổ chức Nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ biên phòng.
2. Về phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng
Nhằm đảm bảo nguyên tắc một việc do nhiều chủ thể thực hiện nhưng chỉ một chủ thể chủ trì, phát huy được sức mạnh tổng hợp và thuận lợi trong thực thi nhiệm vụ biên phòng. Luật Biên phòng Việt Nam quy định về phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng theo nhóm nhiệm vụ; đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới do Bộ Quốc phòng chủ trì; đối với nhiệm vụ xây dựng biên giới quốc gia, khu vực biên giới do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương chủ trì trên cơ sở chức năng quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực do pháp luật quy định. Đồng thời, quy định cụ thể về phạm vi, nguyên tắc, nội dung phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng. Cụ thể hóa nội dung của Điều này Chính phủ quy định chi tiết việc phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết việc phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng và các lực lượng khác thuộc Bộ Quốc phòng trong thực thi nhiệm vụ biên phòng.
3. Về hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền
Luật Biên phòng Việt Nam quy định cụ thể các trường hợp được hạn chế hoặc tạm dừng, các hoạt động bị hạn chế hoặc tạm dừng, thẩm quyền quyết định hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động trong vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền và trình tự, thủ tục quyết định hạn chế hoặc tạm dừng trong các trường hợp.
4. Về hợp tác quốc tế
Luật Biên phòng Việt Nam xác định 06 nội dung và 04 hình thức hợp tác quốc tế về biên phòng nhằm làm rõ nội dung hợp tác quốc tế trong thiết lập, phát triển quan hệ biên giới và xây dựng, mở rộng quan hệ hữu nghị với các nước có chung biên giới, các quốc gia và tổ chức quốc tế khác trên thế giới và khu vực, phù hợp với đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước hiện nay, cụ thể:
- 06 nội dung hợp tác quốc tế:
+ Thiết lập, phát triển quan hệ biên giới; xây dựng, mở rộng quan hệ hữu nghị với chính quyền, nhân dân, lực lượng chức năng của nước có chung đường biên giới và các quốc gia khác; phát triển quan hệ với các tổ chức quốc tế có liên quan;
+ Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về biên phòng; thiết lập, thực thi cơ chế hợp tác biên phòng song phương, đa phương theo quy định của pháp luật;
+ Đàm phán, giải quyết các vấn đề, vụ việc về biên giới, cửa khẩu; tuần tra biên giới; kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, qua lại biên giới theo quy định của pháp luật; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật;
+ Đấu tranh ngăn chặn mọi hành động làm phương hại đến quan hệ biên giới giữa Việt Nam với các nước;
+ Phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn;
+ Đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm về biên phòng, chuyển giao trang bị, khoa học và công nghệ để tăng cường năng lực thực thi nhiệm vụ biên phòng.
- 04 hình thức hợp tác quốc tế:
+ Ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế;
+ Hội đàm, giao lưu hợp tác;
+ Trao đổi, chia sẻ thông tin;
+ Các hình thức hợp tác khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.