Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc quan trọng hàng đầu của Đảng. Người nhấn mạnh “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[1] và “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[2]. Trước lúc đi xa, Người đã căn dặn: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định giành thắng lợi”[3]. Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta đặc biệt quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải bắt đầu từ công việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Giáo dục và đào tạo để xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ đức và tài. Như chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”[4]. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, cán bộ phải được đào tạo, bồi dưỡng để có đủ phẩm chất và năng lực. Phẩm chất của người cán bộ bao gồm: tuyệt đối kiên định đi theo con đường mà Đảng và Bác đã chọn vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nghiêm chỉnh chấp hành đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; có tinh thần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tham nhũng, lãng phí, gần dân, trọng dân; kiên định đường lối đổi mới của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; kiên định những nguyên tắc xây dựng Đảng.
Năng lực của cán bộ là phải có kiến thức lý luận, nắm chắc đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực mình phụ trách, phương pháp làm việc khoa học, chủ động trong công viêc. Có tư duy đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Có tinh thần hợp tác với đồng chí, đồng đội.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trước hết đòi hỏi mỗi đảng viên phải xác định đúng mục đích của việc học tập lý luận chính trị. Thực tiễn cách mạng hiện nay yêu cầu đội ngũ cán bộ không chỉ tốt về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; mà còn phải có đủ năng lực công tác để thực hiện tốt các trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải luôn có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì sự nghiệp chung, dám đương đầu với những khó khăn thử thách để góp công, góp sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hệ thống trường Đảng vừa cung cấp kiến thức chuyên sâu về khoa học chính trị, đồng thời còn rèn luyện kiến thức đã được trang bị thành kỹ năng để vận dụng xử lý công việc trong quá trình công tác sau này. Đặc biệt quan trọng là định hướng về thái độ, tư tưởng cho học viên trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác giảng dạy và nghiên cứu của các trường chính trị. Phải xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đảng viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hàng đầu và là công việc gốc của Đảng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Đó là con đường ngắn nhất, thiết thực nhất và hiệu quả nhất để đưa nhanh nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, đảng viên đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong bối cảnh toàn cầu hóa và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, giảng viên các trường chính trị cần phải xác định rõ mục đích của việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nội dung bài giảng phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn. Ngoài việc giảng dạy, giảng viên phải thường xuyên đi thực tế để góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn, tăng thêm vốn sống, thêm tính thuyết phục của bài giảng, đặc biệt là những vấn đề gắn với tình hình cụ thể ở địa phương, ngành. Mỗi thầy cô giáo phải hiểu, gần gũi và quan trọng nhất là khơi dậy ở học viên sự say mê học tập, chủ động lĩnh hội tri thức. Trong thời đại ngày nay, giảng viên phải biết ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện, thiết bị dạy học hiện đại vào trong bài giảng của mình.
Bên cạnh nâng cao về năng lực giảng dạy, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, người giảng viên trường Đảng phải là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng; có đạo đức cách mạng, đạo đức nhà giáo, xứng đáng là tấm gương sáng cho học viên noi theo; tâm huyết với nghề dạy học và nghiên cứu khoa học. Lời nói và việc làm của người giảng viên không được mâu thuẫn với nhau. Giảng viên phải là người “truyền lửa”, củng cố niềm tin, truyền cảm hứng, tạo động lực cho việc nghiên cứu học tập lý luận, hiểu sâu và thực hành lý tưởng cộng sản.
Hiện nay, các trường chính trị đang triển khai thực hiện Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng trường chính trị đạt chuẩn nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thời kỳ mới để góp phần phát triển đất nước. Điều đó đòi hỏi cần phải có sự đổi mới từ tư duy đến hành động; từ chương trình đến hình thức giảng dạy, học tập, rèn luyện, đánh giá và sự nỗ lực cố gắng của cả giảng viên lẫn học viên. Hướng đến xây dựng trường chính trị trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương, đồng thời cũng là cơ quan nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và tư vấn chính sách ở địa phương, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh./.
Bùi Viết Trung
Trường Chính trị Bình Phước
Tài liệu tham khảo
Hồ Chí Minh toàn tập. (2011). Tập 5. HN: NXB Chính trị quốc gia – Sự thật.
Hồ Chí Minh toàn tập. (2011). Tập 6. HN: NXB Chính trị quốc gia – Sự thật.
Hồ Chí Minh toàn tập. (2011). Tập 12. HN: Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật.
Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. (2021). Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”, HN: Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 (khóa XI). (2012). Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. HN: Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
[1] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb. CTQG, H. 2011, tr. 309.
[2] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 12, Nxb. CTQG, H. 2011, tr. 280.
[3] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 12, Nxb. CTQG, H. 2011, tr. 619.
[4] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb. CTQG, H. 2011, tr. 208.