Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Quyết định số 633/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trong ngành Giáo dục đến năm 2025.
Theo đó, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp; tăng cường chỉ đạo làm chuyển biến nhận thức về nhiệm vụ và trách nhiệm, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy trong các nhà trường.
Phấn đấu đến năm 2025, 100% trường học đạt tiêu chí "Trường học không ma túy". 100% đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động và HSSV được trang bị kiến thức về tác hại của ma túy, các kỹ năng phòng ngừa ma túy.
Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đó là:
Xây dựng Kế hoạch, tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục tại các cơ sở giáo dục; triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản hướng dẫn của Chính phủ về phòng, chống ma túy
Tổ chức tuyên truyền về phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật, ma túy, trong cơ quan, đơn vị thông qua các hoạt động tập thể, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Lồng ghép nội dung trong tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua của tập thể, cá nhân trong cơ quan, đơn vị. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, linh hoạt trong sử dụng các hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở.
Tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật, tệ nạn ma túy, mại dâm vào chương trình và hoạt động giáo dục trong nhà trường thông qua các môn học nhằm nêu gương những cá nhân, tập thể, mô hình thực hiện tốt, những hành vi, thủ đoạn của tội phạm, những bài học kinh nghiệm trong thực hiện tuyên truyền pháp luật, ngăn ngừa tội phạm ma túy. Thực hiện rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình hằng năm, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thực hiện công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Nâng cao năng lực của các thành viên trong trường học về công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật. Việc xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn hằng năm cho cán bộ quản lý, nhà giáo về giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cần thực hiện linh hoạt, sáng tạo, thiết thực nhằm phát huy năng lực của thành viên.
Phối hợp giữa trường học, gia đình và các cơ quan ban, ngành của địa phương trong công tác quản lý, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật trong HSSV. Thực hiện việc ký cam kết không vi phạm pháp luật với học sinh và gia đình nhằm nâng cao trách nhiệm của phụ huynh, học sinh, sinh viên trong công tác quản lý, giáo dục HSSV không phạm tội, vi phạm pháp luật. Phối hợp với ngành Công an thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” và nhân rộng mô hình liên kết giữa trưởng học với công an địa phương. Xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể của địa phương và gia đình HSSV trong công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong HSSV.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý HSSV nhằm nâng cao công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật.