Sự tổn thương về thể xác, tinh thần của nạn nhân ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của họ trong tương lai. Việc im lặng, giấu giếm sẽ không làm cho vụ việc qua đi được. Vì vậy người bị xâm hại phải xác định đây hoàn toàn không phải là lỗi của họ, họ là nạn nhân, họ cần phải chia sẻ, tâm sự với người thân để được ủng hộ, hỗ trợ về tâm lý và họ nên giữ các chứng cứ để tố cáo với cơ quan chức năng. Họ có thể tìm đến các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, cơ quan chức năng, các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, các đơn vị tư vấn pháp lý để được hỗ trợ về thủ tục pháp lý cũng như trợ giúp về tâm lý, về y tế.
Để giúp phụ nữ, trẻ em có kiến thức, kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục, các cấp, các ngành cần có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em như: sinh hoạt hội viên, đối thoại chính sách, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động, sân khấu hóa, thi tìm hiểu pháp luật, viết bài đưa tin trên hệ thống thông tin đại chúng, tổ chức các câu lạc bộ (CLB Phụ nữ với pháp luật, CLB trợ giúp pháp lý, CLB phòng, chống bạo lực gia đình); phòng chống mua bán người, tố giác tội phạm,…
Khi bản thân hoặc biết người khác bị xâm hại, hãy mạnh dạn lên tiếng tố cáo, nhờ sự tư vấn, giúp đỡ. Hãy cương quyết đấu tranh để cùng xây dựng xã hội, cuộc sống tốt đẹp và bình đẳng hơn./.