Thậm chí, có khách hàng còn đòi kiện nhà cung cấp dịch vụ vì lý do này. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về khả năng xác định vị trí của thuê bao trong các mạng di động.
Khách hàng di động bị lộ thông tin nguyên nhân chủ yếu do phía nhà cung cấp dịch vụ.
Về bản chất, cấu trúc của mạng điện thoại di động bao gồm rất nhiều các trạm thu phát sóng (BTS). Mỗi BTS lại thường chia thành 3 cell (ô) có góc phát sóng mỗi hướng 1200. Trạm thu phát sóng này phục vụ các thuê bao hạn chế trong vòng bán kính nhất định, thông thường khoảng từ 500m (ở khu vực thành phố đông dân cư) đến 15km (ở các trung tâm tỉnh, huyện lỵ).
Do tính chất di động của các thuê bao, nhà cung cấp mạng phải có khả năng quản lý những thuê bao này. Và phải biết chính xác thuê bao đang ở ô nào khi họ di chuyển. Vì vậy, trên hệ thống tổng đài luôn luôn lưu giữ thông tin về vị trí và hành trình di chuyển của thuê bao hiện thời, bất kể họ có thực hiện cuộc gọi hay không (tất nhiên với điều kiện thuê bao vẫn bật máy). Khi thuê bao tắt máy thì vị trí cuối cùng của họ được lưu lại trên tổng đài kèm theo thời gian tắt máy (rời mạng).
Vị trí thuê bao được lưu lại trên các bảng thống kê cước, giúp cho nhà khai thác tính cước một cách chuẩn xác, giữ cho cuộc gọi được thông suốt khi thuê bao di chuyển từ vùng phủ sóng của BTS này sang BTS khác. Thông tin này cũng giúp nhà cung cấp mạng phát hiện những gian dối có thể xảy ra như: vấn đề đánh cắp thông tin trên SIM để thực hiện các cuộc gọi trái phép, nhân bản sim trái phép. Ví dụ: Một thuê bao vừa thực hiện cuộc gọi ở Hà Nội, sau đó 15 phút lại thực hiện cuộc gọi khác ở TP.HCM, tức là có hai người cùng sử dụng một số SIM. Trong trường hợp này, nhà khai thác sẽ khuyến nghị khách hàng đổi sang SIM mới để loại trừ khả năng bị lộ thông tin.
Hiện tại, các mạng GSM (kể cả các mạng CDMA) đang khai thác ở Việt Nam đều chưa ứng dụng khả năng xác định vị trí của thuê bao theo toạ độ, góc hướng một cách chính xác mà thường chỉ căn cứ vào vị trí của các BTS theo địa danh địa lý tương đối. Ví dụ, khi thuê bao đang ở BTS A, ta có thể hiểu là thuê bao đó đang ở trong khu vực bán kính từ 500m-15km xung quanh A mà thôi. Tuy nhiên, đối với các mạng 3G (W-CDMA), khả năng xác định vị trí của thuê bao là rất chính xác với sai số được tính bằng mét do các hệ thống này sử dụng công nghệ định vị toàn cầu (GPS) qua vệ tinh để xác định vị trí thuê bao. Công nghệ này rất hữu ích khi triển khai các ứng dụng như: tìm đường qua điện thoại di động hay tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Tuy nhiên, bản thân khách hàng không thể biết thông tin về vị trí hay bất kỳ thông tin nào khác của các thuê bao khác. Do vậy, việc để lộ thông tin về vị trí của khách hàng thường xuất phát từ phía nhà cung cấp dịch vụ, hoặc những người có khả năng truy nhập vào hệ thống tổng đài, hệ thống cước thuê bao mới. Hầu hết những khách hàng biết được thông tin này đều có mối quan hệ với những người làm ở các tổng đài điện thoại di động. Vì vậy, trong trường hợp bị lộ thông tin trên, khách hàng nên phản ánh ngay với người có trách nhiệm từ phía nhà cung cấp để được hỗ trợ và giải đáp thoả đáng.
nhhoang