(CTTĐTBP) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT ban hành quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về "Đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo" như sau: Cơ sở đào tạo bị đình chỉ hoạt động tuyển sinh đối với ngành đào tạo đã được mở khi có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc vi phạm của cơ sở đào tạo ở một trong các trường hợp:
a) Tự chủ mở ngành khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện được mở ngành đào tạo theo quy định tại Thông tư này (bao gồm cả các điều kiện phải cam kết trong đề án mở ngành đào tạo theo quy định tại Thông tư này) và các quy định khác có liên quan của pháp luật hiện hành, nhưng chưa đủ điều kiện để được tự chủ mở ngành theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018) và quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;
b) Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt ở mức độ phải đình chỉ hoạt động tuyển sinh.
Cơ sở đào tạo bị đình chỉ hoạt động đào tạo đối với ngành đào tạo đã được mở khi có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc vi phạm của cơ sở đào tạo ở một trong các trường hợp sau:
a) Gian lận để được mở ngành đào tạo;
b) Tự chủ mở ngành khi chưa đủ một trong các điều kiện được mở ngành đào tạo theo quy định tại Thông tư này (bao gồm cả các điều kiện phải cam kết trong đề án mở ngành đào tạo theo quy định tại Thông tư này) và các quy định khác có liên quan của pháp luật hiện hành;
c) Tổ chức tuyển sinh và đào tạo sau khi ngành đào tạo đã được mở, nhưng cơ sở đào tạo không đảm bảo một trong các điều kiện tương ứng với từng trình độ đào tạo theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác có liên quan của pháp luật hiện hành;
d) Hết thời hạn đình chỉ hoạt động tuyển sinh mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ hoạt động tuyển sinh;
đ) Vi phạm nghiêm trọng quy định về tuyển sinh, quản lý, tổ chức đào tạo hoặc vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt ở mức độ đình chỉ hoạt động đào tạo.
Thời gian đình chỉ từ 06 tháng đến 12 tháng
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đình chỉ hoạt động tuyển sinh đối với ngành đã được mở của cơ sở đào tạo bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận có vi phạm theo quy định và quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo đối với ngành đã được mở của cơ sở đào tạo bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận có vi phạm, thời gian đình chỉ từ 06 tháng đến 12 tháng.
Quyết định đình chỉ phải xác định rõ lý do, phạm vi, thời hạn đình chỉ và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người học, nhà giáo
Dự thảo nêu rõ, cơ sở đào tạo bị đình chỉ hoạt động tuyển sinh hoặc bị đình chỉ hoạt động đào tạo đối với ngành đào tạo đã được mở phải thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người học, nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên của cơ sở đào tạo.
Sau thời hạn đình chỉ hoạt động tuyển sinh, nếu nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh được khắc phục và cơ sở đào tạo bảo đảm đầy đủ các điều kiện để được mở ngành đào tạo theo quy tại Thông tư này và các quy định khác có liên quan của pháp luật, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép cơ sở đào tạo được tuyển sinh trở lại.
Đối với ngành đào tạo đã được mở nhưng trong thời gian 03 năm liên tiếp (đối với đào tạo trình độ đại học) và 05 năm liên tiếp (đối với đào tạo trình độ thạc sĩ hoặc trình độ tiến sĩ) cơ sở đào tạo không tổ chức tuyển sinh hoặc không tuyển sinh được thì quyết định mở ngành đối với ngành này của cơ sở đào tạo hết hiệu lực. Nếu cơ sở đào tạo muốn tiếp tục tuyển sinh và tổ chức đào tạo ngành này, cơ sở đào tạo phải thực hiện lại trình tự, thủ tục mở ngành theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây../.