(CTTĐTBP) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện các cơ chế đặc thù để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, đã đạt được một số kết quả bước đầu: Hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã cơ bản được ban hành đầy đủ; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2022 là 4,03%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 là 21,02%; tỷ lệ hộ nghèo trên 74 huyện nghèo là 38,62%; cả nước có 73,65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 40,8% đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới; có 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 05 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, kết quả triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế, tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương được giao còn rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu do một số khó khăn, vướng mắc cần phải được kịp thời tháo gỡ về: Phân bổ, giao dự toán ngân sách trung ương (chi thường xuyên) hằng năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng... Những khó khăn, vướng mắc nêu trên liên quan đến các quy định của một số Luật có liên quan, vượt thẩm quyền của Chính phủ và cần phải báo cáo Quốc hội.
Trước thực trạng đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định một số giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ. Các giải pháp này nếu được thông qua sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là giải ngân vốn sự nghiệp.
Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế đặc thù nhằm xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy định Luật Ngân sách nhà nước, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Đề xuất 7 chính sách, cơ chế đặc thù
Dự thảo đề xuất 7 chính sách, cơ chế đặc thù như sau:
Chính sách 1: Về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên nguồn ngân sách trung ương hằng năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Chính sách 2: Về cơ chế giao UBND cấp tỉnh quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất.
Chính sách 3: Về cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng.
Chính sách 4: Về cơ chế quản lý, sử dụng tài sản (nếu có) sau khi kết thúc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Chính sách 5: Về cơ chế ủy thác vốn đầu tư công nguồn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội.
Chính sách 6: Về cơ chế giao danh mục dự án đầu tư công đối với các dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, có sự tham gia của người dân.
Chính sách 7: Về cơ chế phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.