(CTTĐTBP) - Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Nghị định quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy định danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa (Nghị định 42) sau thời gian thực hiện đã đáp ứng được yêu cầu của thực tế, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải phát triển, đáp ứng việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cần phải điều chỉnh phù hợp
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện còn một số nội dung cần phải điều chỉnh để phù hợp với công tác quản lý của các Bộ ngành, địa phương và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho đơn vị vận tải.
Cụ thể: Theo quy định của Nghị định số 42, việc cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm đối với hàng hóa nguy hiểm thuộc thẩm quyền của các Bộ: Công an, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó quy định các Bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cấp phép, điều này dẫn đến khi thực hiện các Bộ không thể phân cấp giao cho các đơn vị khác thực hiện, dẫn đến khó khăn cho các cơ quan của các Bộ khi thực hiện nhiệm vụ đồng thời khó khăn cho tổ chức, cá nhân khi xin cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm do phải đến các Bộ cấp phép.
Bên cạnh đó, việc giao trách nhiệm cho các Bộ chủ trì cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm phải: (1) Ban hành các quy định chi tiết danh mục hàng hóa nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận tải; (2) Quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của bao bì, thùng chứa đối với hàng hóa nguy hiểm theo các loại hàng nguy hiểm chưa thật sự phù hợp đối với một số Bộ không có chức năng, nghiệp vụ để thực hiện các nội dung này.
Ví dụ như trách nhiệm của Bộ Công an tại khoản 4 Điều 21 quy định: "Quy định chi tiết danh mục hàng hóa nguy hiểm loại 4 và loại 9 phải đóng gói trong quá trình vận tải; quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của bao bì, thùng chứa đối với hàng hóa nguy hiểm thuộc loại 1, loại 4 và loại 9 theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này". Như vậy, nội dung tại khoản 4 Điều 21 cần thiết phải điều chỉnh để giao cho một Bộ chủ trì thực hiện, các Bộ, ngành có liên quan phối hợp thực hiện.
Có sự quy định chồng chéo giữa các văn bản quy phạm
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, trong quá trình thực hiện Nghị định 42 cho thấy có sự quy định chồng chéo giữa các văn bản quy phạm, cụ thể: (1) Nghị định 42 quy định việc cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, không phân biệt tổ chức, cá nhân có kinh doanh vận tải hay không;
(2) Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải có giấy phép kinh doanh vận tải, xe được cấp phù hiệu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
(3) Việc cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm cho tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hoặc không kinh doanh vận tải là như nhau, tuy nhiên trong thành phần hồ sơ quy định của Nghị định 42 lại yêu cầu đối với đơn vị kinh doanh vận tải phải có thêm giấy phép kinh doanh vận tải, xe phải lắp thiết bị giám sát hành trình (Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã quy định nội dung này và việc thực hiện quản lý hoạt động kinh doanh vận tải).
Chính vì vậy, cần sửa đổi nội dung quy định về thành phần hồ sơ cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm được quy định tại Nghị định 42 để đảm bảo tránh quy định chồng chéo, bình đẳng giữa các đối tượng cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng nguy hiểm.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị cần quy định các phương tiện vận chuyển thuộc các trường hợp không phải đề nghị cấp giấy phép vận chuyển phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy...
Do đó, theo Bộ Giao thông vận tải, để tạo thuận lợi cho đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm, thuận lợi cho tổ chức thực hiện của các Bộ việc xây dựng để ban hành Nghị định của Chính phủ quy định danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa (thay thế Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020) là hoàn toàn phù hợp với các quy định hiện hành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đề xuất dự thảo gồm 6 chương, 33 điều
Bộ Giao thông vận tải đề xuất dự thảo Nghị định quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa gồm 6 chương, 33 điều.
Bên cạnh quy định chung, dự thảo nêu rõ quy định cụ thể về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm (trong đó có vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông đường bộ, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa); giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm…
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.