(CTTĐTBP) - Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định về chức năng, tính năng kỹ thuật của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.
Dự thảo Thông tư nêu rõ các yêu cầu chung về xây dựng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.
Theo đó, việc xây dựng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phải tuân thủ quy định về xây dựng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh theo Điều 14 sửa đổi bổ sung khoản 1, điểm b khoản 2 và khoản 6 Điều 25, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2021.
Tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ/Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh hiện hành. Việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin thực hiện thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp bộ, cấp tỉnh (LGSP) và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Tuân thủ các quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện; tuân thủ các quy định trong việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, việc xây dựng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh bảo đảm theo nguyên tắc: xây dựng tập trung, thống nhất trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh; lấy người sử dụng làm trung tâm: các hồ sơ thủ tục hành chính điện tử đã cung cấp thành công và vẫn còn giá trị sử dụng theo quy định của pháp luật thì không phải cung cấp lại, giao diện thân thiện, dễ sử dụng, thuận tiện cho người sử dụng, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến nhanh gọn hơn, giảm thiểu số lần người sử dụng phải đến làm trực tiếp, hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng dịch vụ.
Bảo đảm khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước (gồm các hệ thống thông tin nội bộ của các bộ, tỉnh và các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương) phục vụ công tác phối hợp giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng và khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu đã có.
Bảo đảm khả năng kết nối với hệ thống thông tin của các doanh nghiệp bưu chính phục vụ việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính; hệ thống thông tin quản lý Danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam và Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số của Bộ Thông tin và Truyền thông, công cụ dùng chung của Bộ Thông tin và Truyền thông: nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân.
Bảo đảm sẵn sàng kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính với tổ chức, cá nhân có yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính thông qua các phương tiện điện tử, truyền thông, mạng xã hội.
Bảo đảm khả năng cung cấp công cụ, phương thức tiếp nhận, xử lý, trả kết quả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, phối hợp giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Bảo đảm khả năng cung cấp công cụ hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính trong công tác tổ chức, quản lý, khai thác, lưu trữ hồ sơ thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.
Bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động vận hành, kết nối; khả năng quản lý tài khoản và xác thực tập trung; bảo đảm yêu cầu nghiệp vụ của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính quy định tại Điều 23, Thông tư số 01/2023/TT-VPCP; bảo đảm các yêu cầu nghiệp vụ cần thực hiện liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu khác theo quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin
Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ các yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin. Theo đó, việc Xây dựng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thông tin.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phải tuân thủ bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, Thông tư số 12/2022/TT-BTTTT ngày 12/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và Tiêu chuẩn quốc gia - Công nghệ thông tin - Các kỹ thuật an toàn - Yêu cầu cơ bản về an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ (TCVN 11930:2017).
Đối với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh có cấp độ 3 trở lên, yêu cầu phải triển khai phương án giám sát theo quy định của pháp luật trước khi đưa vào khai thác, sử dụng; thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin trước khi đưa hệ thống vào vận hành, khai thác sử dụng và định kỳ kiểm tra, đánh giá hoặc đột xuất khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.