(CTTĐTBP) - Bộ Tài chính đề xuất giảm mức chi phí chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH từ 0,65% xuống 0,54%, bổ sung nội dung chi phí ủy quyền thu BHXH, BHTN, BHYT bắt buộc đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tài chính bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) và chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT, thay thế Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg và Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 60.
Giảm mức chi phí chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH từ 0,65% xuống 0,54%
Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về một số nội dung và mức chi từ chi phí quản lý. Đối với mức chi phí chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người thụ hưởng do NSNN đảm bảo; chi lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp từ quỹ BHXH, BHTN, Bộ Tài chính cho biết: Thời gian qua, số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản tăng lên (trung bình tăng 9,3%/năm) dẫn đến chi phí chi trả có xu hướng giảm do chi phí chi trả qua tài khoản giảm so với chi trả bằng tiền mặt (do giảm chi phí thuê địa điểm chi trả, thuê bảo vệ, thuê xe chở tiền, bảo quản tiền, gửi tiền qua đêm,...) nhưng phát sinh chi phí quản lý người hưởng do người hưởngthay đổi địa bàn, cần quy định mức riêng cho hình thức chi trả qua tài khoản và chi trả bằng tiền mặt. Sau khi rà soát, Bộ Tài chính xác định mức chi trả tối đa bằng 0,54%, giảm 0,11% so với quy định tại Quyết định số 38 (0,65%). Mức chi cho tổ chức dịch vụ chi trả và quản lý người hưởng qua tài khoản khoảng 0,19% tổng số tiền chi trả qua tài khoản cá nhân, chi phí chi trả bằng tiền mặt bình quân tối đa là 0,73% số tiền chi trả bằng tiền mặt.
Việc điều chỉnh giảm mức chi phí chi trả từ 0,65% xuống 0,54% sẽ tác động làm giảm chi phí quản lý (tiết kiệm kinh phí) giai đoạn 2023-2024, tổng kinh phí khoảng 587 tỷ đồng, trung bình 293,5 tỷ đồng/năm.
Bổ sung nội dung chi phí ủy quyền thu BHXH, BHTN, BHYT bắt buộc đối với doanh nghiệp siêu nhỏ
Dự thảo đề xuất: Bổ sung nội dung chi phí ủy quyền thu BHXH, BHTN, BHYT bắt buộc đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã và cơ quan tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam (gồm: tuyên truyền, phát triển đối tượng, chi phí thu tiền và nộp tiền đã thu cho cơ quan BHXH), tương tự ngành Thuế ủy quyền cho tổ chức dịch vụ thu hộ đối với hộ kinh doanh cá thể.
Mức chi tối đa 4% đối với đối tượng tham gia năm đầu, tối đa 1,65% đối với đối tượng tiếp tục tham gia từ năm thứ hai trở đi trên số tiền thực thu (tương ứng mức chi thù lao phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện). Mức ủy quyền thu cụ thể của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tiêu chí lựa chọn tổ chức dịch vụ thu do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định phù hợp với tình hình thực tế của từng tỉnh, thành phố. Việc bổ sung quy định chi phí thù lao này sẽ tác động làm tăng chi phí quản lý giai đoạn 2023-2024, tổng kinh phí khoảng 169 tỷ đồng (năm 2023 khoảng 65 tỷ đồng và năm 2024 khoảng 104 tỷ đồng).
Quy định mức bảo đảm thanh khoản tối đa là 1,1 tháng
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về bảo đảm thanh khoản. Theo quy định tại Quyết định số 60, ngoài duy trì số dư trên tài khoản thanh toán đủ đảm bảo chi trả, BHXH Việt Nam còn được duy trì thêm trên tài khoản thanh toán 1,5 tháng theo tổng dự toán chi hằng năm được giao (số dư trên tài khoản thanh toán tối đa bằng 2,5 tháng dự toán). Tại Quyết định số 38 sửa Quyết định số 60 bỏ mức đảm bảo thanh khoản cụ thể. Tuy nhiên thực hiện thời gian qua cho thấy cần thiết phải quy định rõ mức đảm bảo thanh khoản cụ thể để đảm bảo minh bạch.
Do đó, Bộ Tài chính thống nhất với đề nghị của BHXH Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ quy định mức bảo đảm thanh khoản tối đa là 1,1 tháng, thấp hơn mức quy định tại Quyết định số 60 là 1,5 tháng do thay đổi cách xác định tính cả số chi phí quản lý và chi đầu tư tài chính (Quyết định số 60 không tính số này).
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.