(CTTĐTBP) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.
Bộ Tài chính cho biết, Luật Phí và lệ phí được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017. Triển khai thi hành Luật Phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã phối hợp các Bộ, ngành xây dựng trình cấp có thẩm quyền (và ban hành theo thẩm quyền) 143 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: 01 Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, 07 Nghị định của Chính phủ (trong đó, có Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí) và 135 Thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.
Nghị định số 120/2016/NĐ-CP được ban hành kịp thời (trong đó, quy định về: kê khai, thu, nộp phí, lệ phí; về nguyên tắc xác định tỷ lệ để lại tiền phí thu được; nội dung chi cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí, lệ phí; trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và đề xuất mức thu phí, lệ phí) làm cơ sở cho Bộ Tài chính, HĐND cấp tỉnh ban hành các văn bản quy định thu phí, lệ phí theo thẩm quyền.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện Nghị định số 120/2016/NĐ-CP có một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế.
Khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong kê khai, thu nộp phí, lệ phí
Dự thảo sửa đổi quy định về "Kê khai, thu nộp, quyết toán phí, lệ phí" (Điều 3 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP). Để thực hiện chủ trương khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến, căn cứ quy định tại Điều 11 Luật Phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 74/2022/TT-BTC ngày 22/12/2022 quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính. Trong đó, quy định cụ thể về hình thức thu, nộp phí, lệ phí: Bằng tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán thẻ,… Thông tư số 74/2022/TT-BTC không áp dụng đối với các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ, HĐND cấp tỉnh.
Để đảm bảo đồng bộ, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi khoản 1 Điều 3 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP như sau:
Người nộp phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh; nộp phí, lệ phí cho cơ quan thu hoặc Kho bạc nhà nước bằng các hình thức: Nộp trực tiếp bằng tiền mặt hoặc thông qua tổ chức tín dụng, tổ chức dịch vụ và hình thức khác theo quy định của pháp luật. Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng khoản phí, lệ phí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Phí và lệ phí quy định cụ thể hình thức nộp, kỳ kê khai, nộp phí, lệ phí cho phù hợp.
2 phương án về cơ chế tài chính đặc thù
Về cơ chế tài chính đặc thù: Ngày 11/11/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, trong đó quy định: "2. Tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW...".
Có nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định chi tiền lương và chi đầu tư (chi sửa chữa, mua sắm, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ cho việc thực hiện công việc, dịch vụ, thu phí) tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; cũng có ý kiến cho rằng nếu xóa bỏ cơ chế tài chính đặc thù sẽ dẫn đến không đảm bảo mục tiêu của Chính phủ khi thực hiện cải cách tiền lương phù hợp với mặt bằng chung của thị trường lao động, khó thu hút và giữ chân được những cán bộ có trình độ, năng lực chuyên môn, giàu kinh nghiệm.
Từ nội dung nêu trên, Bộ Tài chính trình Chính phủ 02 Phương án sửa đổi khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP như sau:
Phương án 1: Giữ quy định hiện hành; bổ sung thêm vào khoản 3 Điều 5 nội dung: Cho phép cơ quan áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù được áp dụng cho đến khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Ưu điểm: Phù hợp với các chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật hiện hành và đảm bảo cho các cơ quan đang áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù không bị gián đoạn trong thực hiện nhiệm vụ hiện nay.
Nhược điểm: Chưa xử lý được bất cập liên quan đến thu nhập và chi đầu tư của các cơ quan nhà nước áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù.
Phương án 2: Bãi bỏ các nội dung chi liên quan đến chi tiền lương và chi đầu tư từ tiền phí để lại; bỏ khoản 3 quy định về chi cơ quan nhà nước áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù theo quy định riêng của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ. Các cơ quan này sẽ sử dụng tiền phí để lại theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.
Ưu điểm: Xử lý được bất cập liên quan đến thu nhập và chi đầu tư của các cơ quan nhà nước áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù; tăng số nộp NSNN (sau khi Nghị định được ban hành, Bộ Tài chính và HĐND cấp tỉnh sẽ sửa đổi văn bản điều chỉnh giảm tỷ lệ để lại tiền phí cho tổ chức thu và tăng tỷ lệ nộp NSNN).
Nhược điểm: Gây khó khăn cho hoạt động tự chủ kinh phí của các cơ quan hành chính nhà nước đang hưởng cơ chế tài chính gắn với đặc thù của đơn vị; ảnh hưởng đến việc xác định mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.
Quan phân tích ưu, nhược điểm của 02 phương án, Bộ Tài chính nghiêng về PA1.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.