(CTTĐTBP) - Đây là một trong những nội dung mới được đề xuất tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
So với quy định cũ tại Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam số 49/2019/QH14 thì dự thảo này bổ sung thông tin "nơi sinh" trên giấy tờ xuất nhập cảnh. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 6 như sau: "3. Thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh gồm: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi sinh; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại.".
Sửa đổi quy định về cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước
Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 15 như sau:
"2. Giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước bao gồm:
a) Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất còn giá trị sử dụng đối với người đã được cấp hộ chiếu; trường hợp hộ chiếu còn giá trị sử dụng bị mất phải kèm đơn báo mất hoặc thông báo về việc đã tiếp nhận đơn của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 28 của Luật này;
b) Bản chụp có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi. Trường hợp bản chụp không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.".
Bổ sung quy định về Giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài
Sửa đổi, bổ sung Điều 16 quy định về cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài như sau:
a) Sửa đổi khoản 1 như sau:
"1. Người đề nghị cấp hộ chiếu nộp tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 02 ảnh chân dung, giấy tờ liên quan theo quy định tại khoản 1a Điều này và xuất trình hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Trường hợp không có hộ chiếu Việt Nam, giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp thì xuất trình giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ làm căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch.".
b) Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 như sau:
"1a. Giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài gồm:
a) Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi;
b) Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất đối với người đã được cấp hộ chiếu; trường hợp hộ chiếu bị mất phải kèm đơn báo mất hoặc thông báo về việc đã tiếp nhận đơn của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 28 của Luật này;
c) Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất;
d) Bản chụp có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi. Trường hợp bản chụp không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu."
Cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ
"Điều 19a. Các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử
1. Thực hiện chủ trương cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở có đi có lại, đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
2. Chính phủ quyết định danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.".
Khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua Trang thông tin điện tử
So với quy định cũ, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định mới là Cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn thực hiện việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua Trang thông tin điện tử.
Cụ thể, Điều 33 về khai báo tạm trú được sửa đổi, bổ sung như sau:
1. Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú trước khi đồng ý người nước ngoài tạm trú.
2. Cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn thực hiện việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua Trang thông tin điện tử. Cơ sở lưu trú khác khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua Trang thông tin điện tử hoặc Phiếu khai báo tạm trú.
Trường hợp khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua Phiếu khai báo tạm trú, người khai báo tạm trú ghi thông tin vào Phiếu khai báo tạm trú và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.
3. Người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú hoặc khi có sự thay đổi thông tin trong hộ chiếu phải khai báo tạm trú theo quy định tại khoản 1 Điều này".
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.