(CTTĐTBP) - Ủy ban Dân tộc đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung thay thế Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Ủy ban Dân tộc cho biết, ngày 06/3/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thay thế Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 và Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg ngày 07/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Qua thực tiễn 5 năm triển khai và tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ của các Bộ, ngành, địa phương đã khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, khẳng định vị trí, vai trò của người có uy tín, kịp thời động viên, khích lệ người có uy tín phát huy vai trò tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá, góp phần củng cố niềm tin, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái ở vùng dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, việc triển khai thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập cần sớm được khắc phục:
Thứ nhất, về tiêu chí, điều kiện lựa chọn người có uy tín: Một số nội dung tiêu chí còn trùng lặp, không cần thiết, cần sắp xếp nhóm lại các tiêu chí cho phù hợp, logic để dễ thực hiện và thực sự lựa chọn được người có uy tín;
Việc quy định: "Mỗi thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số có ít nhất 1/3 số hộ gia đình hoặc số nhân khẩu là người dân tộc thiểu số được bình chọn 01 người có uy tín" cũng như quy định: "… tổng số người có uy tín được bình chọn không vượt quá tổng số thôn của vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh" vô hình chung đã hành chính hóa việc lựa chọn người có uy tín và cũng chưa thực sự phù hợp với thực tế là các dân tộc thiểu số thường sinh sống đan xen nhau ở các thôn bản.
Thứ hai, đối với những người có uy tín do lực lượng Công an, quốc phòng các cấp quản lý, thực hiện theo quy định tại Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 01/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng do chưa quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên phần lớn những người có uy tín này chưa được hưởng các chế độ, chính sách quy định tại Quyết định này.
Thứ ba, việc quy định thủ tục hành chính công nhận và đưa ra khỏi danh sách người có uy tín trong Quyết định này là chưa phù hợp với thực tế, nhất là trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử, cũng như việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và đơn giản hóa trong giải quyết thủ tục hành chính hiện nay.
Chế độ, chính sách đối với người có uy tín còn bất cập, định mức chi thấp
Theo Ủy ban Dân tộc, một số chế độ, chính sách đối với người có uy tín còn bất cập, định mức chi thấp, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nên chưa thực sự tạo động lực đối với người có uy tín trong thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm được giao:
Quy định người có uy tín được "… thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết của các dân tộc thiểu số…" là chưa đảm bảo bình đẳng, công bằng đối với người có uy tín trong các dân tộc thiểu số. Thực tế có rất ít dân tộc thiểu số (như dân tộc Khmer, dân tộc Chăm) có Tết riêng của dân tộc mình mà chủ yếu là các Lễ hội. Trong khi đó, cho đến nay cũng chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định hay công nhận đối với các Lễ, Tết riêng của các dân tộc thiểu số nên gây khó khăn cho các cơ quan trong tổ chức thực hiện chế độ, chính sách này đối với người có uy tín trên địa bàn.
Xã là cấp trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách và công tác vận động, phát huy vai trò đối với người có uy tín ở thôn bản vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ không bố trí kinh phí và quy định cấp xã được thực hiện việc thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín là một khó khăn cho địa phương trong tổ chức thực hiện chính sách để tiếp xúc, gặp gỡ, nắm tình hình, động viên, phát huy vai trò của người có uy tín ở cơ sở.
Cùng đối tượng là người có uy tín, nhưng những người có uy tín sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được ngân sách Nhà nước mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định của Luật bảo hiểm y tế, trong khi đó, những người có uy tín sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi khác (không thuộc đối tượng được hưởng cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí) chưa được hưởng chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, tạo nên sự so bì giữa những người có uy tín với nhau.
Định mức hỗ trợ một lần, số lần thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín trong Quyết định được xây dựng căn cứ vào mức chi từ năm 2013 là thấp và không còn phù hợp với tình hình thực tế.
Chưa có quy định ràng buộc cụ thể hoặc cơ chế để các địa phương phải có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người có uy tín thực hiện nhiệm vụ được giao.
Từ thực tế triển khai và kết quả thực hiện, để kịp thời khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và thống nhất thực hiện chính sách đối với người có uy tín, thì việc sửa đổi, bổ sung Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là rất cần thiết nhằm tiếp tục động viên, khích lệ những người có uy tín phát huy vai trò tích cực của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.