(CTTĐTBP) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án).
Theo dự thảo, quan điểm xây dựng Đề án là kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi về chuyển đổi số là yếu tố then chốt góp phần cụ thể hóa định hướng, giải pháp thực hiện 03 đột phá chiến lược theo tinh thần đại hội XIII của Đảng trong triển khai chuyển đổi số gồm: hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng phục vụ quản lý và thực thi pháp luật về chuyển đổi số.
Bảo đảm hình thành tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương, thống nhất đầu mối, có sự phân công rõ ràng, cụ thể, xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan chuyên trách về chuyển đổi số các cấp từ trung ương đến địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả và phát huy vai trò của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội.
Ưu tiên phân bổ nguồn lực đầu tư và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện chuyển đổi số, đủ về số lượng, hài hòa về cơ cấu, phù hợp theo đặc thù lĩnh vực, vùng, miền với đầy đủ công cụ, nền tảng số phục vụ hoạt động công vụ.
Đến năm 2025, 100% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số
Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 100% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số trên cơ sở kiện toàn hoặc bổ sung nhiệm vụ về chuyển đổi số cho đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin.
100% Tổng Cục, Cục, Thanh tra, Văn phòng, đơn vị sự nghiệp thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phân công, chỉ định bộ phận hoặc đầu mối thực hiện chức năng tham mưu và thực thi pháp luật về chuyển đổi số.
Bảo đảm kiện toàn các đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số thuộc Bộ, ngành, địa phương với cơ cấu hợp lý, được sắp xếp, bố trí lại hoặc bổ sung kịp thời biên chế trên cơ sở biên chế hiện có của Bộ, ngành, địa phương đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao về chuyển đổi số; phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số; phát triển kinh tế số và xã hội số.
80% cán bộ tham mưu và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là cấp huyện, xã được đào tạo về chuyên môn, kỹ năng số, quản lý nhà nước, ngoại ngữ và các yêu cầu khác phục vụ công tác quản lý nhà nước về chuyển đổi số.
Điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương được bổ sung, tăng cường nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số trong tình hình mới.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để có các lộ trình, bước đi vững chắc cho công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam.
Định hướng đến 2030, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông thành một đơn vị mạnh, chuyên nghiệp, có năng lực về nhân sự, kỹ thuật, công nghệ để thực hiện tốt chức năng điều phối chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; góp phần xây dựng kinh tế số và xã hội số Việt Nam
Các đơn vị chuyên trách chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương có năng lực chuyên môn cao, hoạt động chuyên nghiệp, tổ chức tốt công tác chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số/Chính quyền số thuộc phạm vi quản lý.
8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính
Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đặt ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính bao gồm:
1- Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương theo hướng tập trung, thống nhất một đầu mối, có phân công, phân cấp phù hợp, cụ thể giữa các cơ quan trung ương và giữa trung ương với địa phương.
2- Kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương.
3- Nâng cao năng lực, bộ máy tổ chức, hoạt động Cục Chuyển đổi số quốc gia và các đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số tại các bộ, ngành và địa phương.
4- Đẩy mạnh, nâng cao vai trò tham mưu, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương.
5- Phát triển lực lượng và nâng cao năng lực tham mưu và thực thi pháp luật cho đội ngũ nhân lực chuyển đổi số.
6- Xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tiêu biểu trong chuyển đổi số; tiêu chuẩn, chức danh, vị trí việc làm về chuyển đổi số.
7- Thiết lập và đẩy mạnh hoạt động Mạng lưới công nghệ số cộng đồng trên phạm vi toàn quốc.
8- Tăng cường hợp tác quốc tế.
Bộ TT&TT đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này trên Cổng TTĐT của Bộ./.