Thực hiện Quyết định số 1803/QĐ-TTg ngày 18/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (viết gọn là CLTK11-20), Tổng cục Thống kê đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai tất cả các hoạt động của CLTK11-20. Sau 10 năm thực hiện, việc triển khai thực hiện CLTK11-20 đã đạt được những kết quả quan trọng.
Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện CLTK11-20 của Tổng cục Thống kê, đánh giá mức độ đạt được của các mục tiêu Chiến lược đến hết năm 2020, ngành Thống kê Việt Nam đạt 4 mục tiêu (số 1,3,4,6) và không đạt 4 mục tiêu (số 2,5,7,8). Có 19 hoạt động (chiếm 16%) chưa hoàn thành. Đánh giá tổng thể, mục tiêu tổng quát của CLTK11-20 không đạt được như đã đề ra.
Tuy nhiên, với việc triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình hành động của CLTK11-20 góp phần giải quyết (toàn bộ hoặc một phần) những hạn chế trong hệ thống Thống kê Việt Nam đã được phát hiện và chỉ ra trong đánh giá thực trạng thống kê Việt Nam năm 2010 (trước khi thực hiện CLTK11-20) và đánh giá bổ sung năm 2013. Cụ thể, việc cung cấp và chia sẻ thông tin thống kê giữa TCTK và các bộ, ngành đã được cải thiện nhiều trên cơ sở thực hiện các chế độ báo cáo thống kê và ký kết các văn bản về cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin thống kê. Các chỉ tiêu thống kê đã được thu thập, tổng hợp và phổ biến nhiều hơn so với trước đây. Nhiều quy trình liên quan đến sản xuất thông tin thống kê đã được xây dựng và ban hành. Công tác phổ biến thông tin thống đã được cải thiện đáng kể. Tất cả các cuộc tổng điều tra, điều tra thống kê do Tổng cục Thống kê thực hiện biên soạn và xuất bản báo cáo kết quả điều tra (trong đó có các phân tích về kết quả điều tra) và các báo cáo phân tích chuyên đề. Hạ tầng công nghệ thông tin của hệ thống thống thống kê tập trung được duy trì. Nguồn nhân lực của hệ thống thống kê tập trung được duy trì tương đổi ổn định về số lượng và được tăng cường về chất lượng. Trụ sở làm việc của các đơn vị trong hệ thống thống kê tập trung đã được cải thiện đáng kể nhờ được đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở làm việc, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về điều kiện làm việc của công chức, viên chức.
Việc thực hiện CLTK11-20 cũng còn tồn tại một số hạn chế.
Về, thể chế, khuôn khổ pháp lý, cơ chế điều phối các hoạt động thống kê và nhân lực thống kê: Một số bộ, ngành như Bộ Nội vụ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chưa thành lập tổ chức thống kê thuộc bộ, ngành theo quy định của Nghị định số 85/2017/NĐ-CP ngày 19/7/2017 của Chính phủ. Hoạt động phối hợp, chia sẻ dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước giữa TCTK và các bộ, ngành chưa thật sự tốt. Nhân lực của hệ thống thống kê tập trung còn thiếu so với định mức biên chế, mới đáp ứng được được 91,6% so với tổng số biên chế được giao. Nhân lực làm thống kê tại bộ, ngành ở Trung ương và tại các sở, ngành, xã, phường, thị trấn ở địa phương chủ yếu là kiêm nhiệm (95%).
Về thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu: Hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo thống kê của một số bộ, ngành chưa được cập nhật, rà soát và ban hành để phù hợp với các quy định của Luật Thống kê năm 2015. Các cuộc điều tra thống kê chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định. Chưa thực hiện rà soát, đánh giá mức độ đáp ứng của các cơ sở dữ liệu hành chính được quy định trong Luật Thống kê năm 2015[1] phục vụ cho mục đích thống kê.
Về phân tích, dự báo và phổ biến thông tin thống kê: Các báo cáo phân tích thống kê còn mang tính chất mô tả số liệu nhiều hơn là mang tính phân tích, giải thích về dữ liệu, chưa có nhiều các dự báo thống kê trung và dài hạn. Ít ứng dụng các mô hình trong phân tích và dự báo thống kê. Bên cạnh đó, thông tin thống kê được công bố, phổ biến chưa đầy đủ theo quy định và tương xứng với nguồn dữ liệu sẵn có; Việc cung cấp, thông tin thống kê cho các tổ chức quốc tế chưa đầy đủ theo yêu cầu.
Trong hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê, đối với các hoạt động về hợp tác song phương, khó khăn nhất chủ yếu là thiếu kinh phí và trình độ ngoại ngữ của công chức, viên chức làm thống kê. Thống kê Việt Nam cũng còn một số khó khăn trong việc cung cấp số liệu cho các cơ quan, tổ chức quốc tế như: (1) Yêu cầu các chỉ tiêu quá chi tiết; (2) Cách phân tổ không thống nhất, đồng bộ; (3) Nhiều chỉ tiêu mới, chưa được tính toán tại Việt Nam dẫn đến Việt Nam không có số liệu cung cấp đầy đủ như yêu cầu…
Nguyên nhân và bài học kinh nghiệm
Những tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân cụ thể:
- Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác thống kê thuộc lĩnh vực quản lý và các hoạt động của CLTK11-20 nói riêng.
- Việc thực hiện chính sách tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế ở các bộ, ngành và địa phương khiến cho nhiều đơn vị không thành lập được tổ chức thống kê và bố trí công chức, viên chức làm thống kê tại các bộ, ngành và địa phương.
- Nguồn nhân lực làm thống kê không được đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê theo quy định của Luật Thống kê, đặc biệt là đối với nhân lực làm thống kê ở các bộ, ngành ở Trung ương, sở, ngành và thống kê xã, phường, thị trấn tại địa phương. Đồng thời, việc thiếu nhân lực thống kê được đào tạo bài bản, trình độ cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công tác thống kê để thực hiện các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng phương pháp luận và quy trình thống kê theo tiêu chuẩn quốc tế, phân tích và dự báo thống kê dẫn đến việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình, phương pháp luận về thống kê còn hạn chế.
Có những hạn chế nhất định về phương pháp luận thống kê, cùng với việc thiếu nguồn thông tin thống kê để tổng hợp các chỉ tiêu thống kê thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê dẫn đến việc phổ biến, cung cấp thông tin thống kê cho người sử dụng (cả trong nước và nước ngoài) chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật và chưa đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê.
- Việc chia sẻ, cung cấp, phổ biến thông tin đối với một số chỉ tiêu thống kê còn gặp khó khăn do quy định bảo mật hiện hành.
- Kinh phí từ ngân sách cho công tác thống kê ngày càng hạn hẹp, cũng như tài trợ của các tổ chức quốc tế và các nước cho thống kê Việt Nam có xu hướng giảm. Do đó, việc tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho công tác thống kê ngày càng khó khăn, ảnh hưởng đến công tác chuyên môn. Các bộ, ngành, địa phương không bố trí kinh phí riêng để thực hiện các hoạt động thống kê nên rất bị động trong triển khai thực hiện các hoạt động thống kê.
Sau quá trình 10 năm thực hiện CLTK11-20, một số bài học kinh nghiệm quan trọng được rút ra:
Thứ nhất, cần xây dựng các mục tiêu, chương trình hành động của Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam phù hợp với nhau và phù hợp với xu hướng thống kê trên thế giới, năng lực của Thống kê Việt Nam.
Thứ hai, xác định Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ban Chỉ đạo trung ương, Tổng cục Thống kê) là cơ quan chỉ đạo, chủ trì thực hiện việc hướng dẫn, theo dõi và đánh giá thực hiện CLTK11-20 kịp thời, bài bản để CLTK11-20 được triển khai nghiêm túc và thống nhất trong toàn bộ hệ thống thống kê.
Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến CLTK11-20 cần được chú trọng, nhất là ở giai đoạn đầu khi CLTK11-20 để các nội dung của CLTK11-20 được phổ biến tới tất cả các đối tượng có liên quan, đặc biệt là các cơ quan thực hiện CLTK11-20.
Thứ tư, kế hoạch thực hiện CLTK11-20 cần được xây dựng chi tiết với việc xác định các công việc ưu tiên, gắn các hoạt động của CLTK11-20 với các nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên và phân công đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện rõ ràng đã tạo điều kiện cho việc triển khai thực hiện CLTK11-20 được thuận lợi.
Thứ năm, việc triển khai thực hiện CLTK11-20 cần có sự tham gia của tất cả các đơn vị trong toàn hệ thống thống kê cũng như các bên có liên quan. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến sự cam kết mạnh mẽ về mặt chính trị của lãnh đạo các đơn vị trong việc thực hiện nhằm đảm bảo các hoạt động được thực hiện đúng hướng và đạt được các mục tiêu đã đề ra của CLTK11-20.
Thứ sáu, CLTK11-20 cần được thực hiện trên cơ sở huy động được các nguồn lực, trong đó quan trọng nhất là nguồn nhân lực làm công tác thống kê. Bên cạnh đó, cũng cần huy động các nguồn lực tài chính từ các nguồn khác nhau cho việc thực hiện CLTK11-20, nhất là từ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Thứ bảy, việc theo dõi, đánh giá thực hiện CLTK11-20 cần thực hiện một cách bài bản, thường xuyên thông qua việc xây dựng Khung theo dõi và đánh giá, biên soạn Tài liệu hướng dẫn theo dõi và đánh giá, tập huấn công tác theo dõi và đánh giá, hình thành hệ thống theo dõi và đánh giá với đầu mối là các tổ theo dõi và đánh giá tại các đơn vị thực hiện CLTK11-20, báo cáo tiến độ thực hiện hàng năm, tổ chức đánh giá định kỳ thực hiện CLTK11-20./.
Bích Ngọc
[1] Gồm các cơ sở dữ liệu: Cơ sở dữ liệu về con người; Cơ sở dữ liệu về đất đai; Cơ sở dữ liệu về cơ sở kinh tế; Cơ sở dữ liệu về thuế; Cơ sở dữ liệu về hải quan; Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm; Cơ sở dữ liệu hành chính khác.