Việc triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình hành động của CLTK11-20 đã góp phần giải quyết những hạn chế trong hệ thống Thống kê Việt Nam đã được phát hiện và chỉ ra trong đánh giá thực trạng thống kê Việt Nam năm 2010 (trước khi thực hiện CLTK11-20) và đánh giá bổ sung năm 2013.
Thứ nhất, sự phối hợp giữa Tổng cục Thống kê với các bộ, ngành đã được cải thiện đặc biệt là việc cung cấp và chia sẻ số liệu thống kê.
Sau khi thực hiện CLTK11-20, việc cung cấp và chia sẻ thông tin thống kê giữa Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành đã được cải thiện nhiều trên cơ sở thực hiện các chế độ báo cáo thống kê, ký kết các văn bản về cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin thống kê.
Nhiều bộ, ngành đã cung cấp số liệu cho Tổng cục Thống kê đầy đủ và đúng thời hạn hơn như: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Tính đến nay Tổng cục Thống kê và 11 bộ, ngành, cơ quan đã ký kết cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin thống kê, gồm: Bộ Công Thương, Ban Kinh tế trung ương, Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thuế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Trường Đại học kinh tế (Đại học Đà Nẵng), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.
Thứ hai, số lượng các chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia được thu thập, tổng hợp và phổ biến nhiều hơn so với trước đây.
Năm 2010, mới thu thập, biên soạn và công bố được 120 chỉ tiêu trong tổng số 350 chỉ tiêu được quy định tại Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
CLTK11-20 được thực hiện đã giúp các chỉ tiêu thống kê đã được thu thập, tổng hợp và phổ biến nhiều hơn so với trước đây. Năm 2015, đã thu thập, biên soạn được 311 trong tổng số 350 chỉ tiêu thống kê quốc gia (tăng 191 chỉ tiêu so với năm 2010), trong đó 47% số chỉ tiêu được công bố đầy đủ thông tin theo các phân tổ; 42% số chỉ tiêu được công bố thông tin theo một số phân tổ hoặc đã thu thập được thông tin nhưng chưa công bố, chỉ còn 11% số chỉ tiêu chưa thu thập được thông tin.
Đối với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia mới theo Luật Thống kê năm 2015, 106 chỉ tiêu đã thu thập, tổng hợp và công bố đầy đủ các phân tổ, 70 chỉ tiêu đã thu thập, tổng hợp và công bố một số phân tổ, 10 chỉ tiêu chưa thu thập, tổng hợp.
Thứ ba, các quy trình chuẩn liên quan đến sản xuất thông tin thống kê (bao gồm cả quy trình xử lý, tổng hợp và phổ biến số liệu của các chỉ tiêu thống kê quốc gia) được xây dựng và ban hành
CLTK11-20 đã giúp nhiều quy trình liên quan đến sản xuất thông tin thống kê được xây dựng và ban hành như: Quy trình sản xuất thông tin thống kê cấp cao; Quy trình biên soạn, thẩm định và phổ biến Niên giám thống kê quốc gia; Quy trình biên soạn, thẩm định và phổ biến Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng của Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê; Quy trình biên soạn, thẩm định và phổ biến Báo cáo thống kê chính thức của Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê; Quy trình biên soạn, thẩm định và phổ biến kết quả tổng điều tra và điều tra thống kê của Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê; Quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP).
Nhiệm vụ thu thập, tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu thống kê của hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia do Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm đã được phân công cho các đơn vị trong Tổng cục.
Thứ tư, hoạt động phổ biến số liệu thống kê được cải thiện đáng kể.
Tới đây, rất ít bộ, ngành tổng hợp niên giám thống kê hoặc các sản phẩm thống kê khác. Hoạt động phổ biển vẫn chủ yếu dưới hình thức bản in. Khối lượng thông tin trên website của Tổng cục Thống kê khá hạn chế và không được cập nhật thường xuyên. Chỉ có một số Cục Thống kê có website riêng.
Các hình thức phổ biến số liệu khác như phòng đọc với số liệu được lưu trữ trong máy tính, trung tâm giới thiệu các sản phẩm thống kê, CD-ROM hoặc cung cấp số liệu qua điện thoại, fax và email chưa được sử dụng rộng rãi. Ngành Thống kê vẫn chưa có chính sách phổ biến thông tin.
Tuy nhiên, khi CLTK11-20 thực hiện, công tác phổ biến thông tin thống đã được cải thiện đáng kể. Chính sách phổ biến thông tin thống kê nhà nước được ban hành. Tổng cục Thống kê và một số bộ, ngành như: Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế đã xây dựng, ban hành quy chế phổ biến thông tin thống kê nhà nước, lịch phổ biến thông tin thống kê hàng năm và công khai các văn bản này trên website của các đơn vị.
Website của Tổng cục Thống kê được nâng cấp năm 2015 và năm 2020, đồng thời cập nhật dữ liệu thường xuyên. Hầu hết các Cục Thống kê đều đã có website riêng. Website của các bộ, ngành đều có chuyên mục về số thống kê.
11 bộ, ngành thực hiện biên soạn niên giám thống kê (hay ấn phẩm thường niên tương tự như niên giám thống kê) gồm: Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Các số liệu thống kê được tổng hợp và công bố trong nhiều ấn phẩm như: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng, quý, năm; Niên giám thống kê hàng năm; Báo cáo phân tích kinh tế - xã hội tổng hợp… và được phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau như họp báo công bố số liệu (hàng quý), phát hành thông cáo báo chí, các ấn phẩm dạng bản in, đĩa CD, website của Tổng cục Thống kê và các Cục Thống kê, đưa tin trên các phương tiện phát thanh, truyền hình, các ấn phẩm, tạp chí của ngành, bảng đèn Led, thư viện...
Thứ năm, phân tích kết quả các cuộc điều tra thống kê được tăng cường, tiếp tục nâng cao năng lực phân tích và dự báo của công chức thống kê.
Tất cả các cuộc tổng điều tra, điều tra thống kê do Tổng cục Thống kê thực hiện đều có biên soạn và xuất bản báo cáo kết quả điều tra (trong đó có các phân tích về kết quả điều tra) và các báo cáo phân tích chuyên đề. Giai đoạn 2011-2019, Tổng cục Thống kê đã biên soạn 140 báo cáo phân tích kết quả các cuộc tổng điều tra, điều tra thống kê.
Năng lực phân tích và dự báo thống kê đã được tăng cường thông qua việc thành lập các đơn vị chuyên trách về phân tích và dự báo. Theo đó, Tổng cục Thống kê đã thành lập Tổ phân tích và Dự báo thống kê; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải cũng thành lập đơn vị chuyên trách về phân tích và dự báo thống kê.
Bên cạnh đó, các lớp đào tạo, bồi dưỡng về phân tích và dự báo cũng được đưa vào chương trình đào tạo của các bộ, ngành. Giai đoạn 2011-2019, Tổng cục Thống kê đã tổ chức 28 lớp đào tạo, bồi dưỡng về phân tích và dự báo thống kê cho 974 lượt công chức, viên chức.
Các báo cáo phân tích và dự báo thống kê do Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành đã biên soạn là tài liệu tham khảo quan trọng đối với lãnh đạo các cấp và các nhà hoạch định chính sách.
Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông
Trước đây, mạng máy tính trong hệ thống thống kê tập trung thường xuyên bị lỗi mạng và gián đoạn đường truyền giữa các đơn vị. Cơ sở dữ liệu đặc tả (metadata) chưa được nghiên cứu xây dựng đầy đủ; còn gặp khó khăn trong việc xây dựng các cơ sở dữ liệu vĩ mô và vi mô (năm 2013 có 4 kho dữ liệu); cơ sở dữ liệu về kết quả của các cuộc điều tra không liên kết với nhau và không được liên kết theo thời gian.
Nhờ có CLTK11-20, hạ tầng công nghệ thông tin của hệ thống thống kê tập trung được duy trì. Hệ thống mạng diện rộng được trang bị máy chủ, thiết bị tương đối đồng bộ, bảo đảm thông tin và truyền đưa dữ liệu trong toàn hệ thống thông suốt.
10 kho dữ liệu cục bộ đã được xây dựng. Tất cả các cuộc tổng điều tra, điều tra thống kê do Tổng cục Thống kê thực hiện đều có cơ sở dữ liệu. Cơ sở dữ liệu đặc tả (metadata) của Tổng cục Thống kê đã được hình thành để sử dụng chung với một số dữ liệu về các bảng danh mục, ngân hàng câu hỏi điều tra, các bảng mã câu trả lời cho câu hỏi đóng đối với một số lĩnh vực thống kê.
Thứ bảy, nguồn nhân lực trong hệ thống thống kê tập trung được duy trì tương đối đầy đủ về số lượng và tăng cường về chất lượng.
Với CLTK11-20, nguồn nhân lực của hệ thống thống kê tập trung được duy trì tương đổi ổn định về số lượng và được tăng cường về chất lượng. Tính đến 30/9/2020, tỷ lệ thống kê viên cao cấp (và tương đương) và thống kê viên chính chiếm 13%; tỷ lệ công chức, viên chức có trình độ đại học khoảng 77%, tỷ lệ công chức, viên chức có trình độ trên đại học khoảng 11%.
Thứ tám, cơ sở hạ tầng được cải thiện
Những năm trước trụ sở làm việc của Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê các tỉnh và Phòng Thống kê cấp huyện đã cải thiện điều kiện làm việc theo quy định về tiêu chuẩn của trụ sở làm việc, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về diện tích làm việc cho công chức, viên chức.
Thiết bị văn phòng khá đầy đủ đối với công chức, viên chức của cơ quan Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê. Tuy nhiên, hơn 50% thiết bị có chất lượng kém cần phải được sửa chữa thường xuyên. Thiết bị văn phòng không đủ đối với công chức của phòng Thống kê cấp huyện nhằm đáp ứng các điều kiện làm việc...
Giai đoạn 2011-2020 trụ sở làm việc của các đơn vị trong hệ thống thống kê tập trung đã được cải thiện đáng kể nhờ được đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở làm việc, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về điều kiện làm việc của công chức, viên chức.
Các trang thiết bị văn phòng, nhất là máy tính cá nhân (máy trạm) về cơ bản đã cung cấp đủ cho công chức, viên chức và người lao động trong toàn hệ thống, mỗi người làm chuyên môn thống kê đều được trang bị tối thiểu 01 máy tính phục vụ công tác.
Có thể nói, sau quá trình 10 năm thực hiện CLTK11-20, có những mục tiêu đã đạt được và cũng có những mục tiêu còn dang dở, nhưng nhìn chung, Thống kê Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chính vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của ngành Thống kê đối với công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước./.
Năng lực thống kê của Việt Nam đã có các bước phát triển trên tất cả các lĩnh vực trong 10 năm qua và cao hơn mức trung bình trong khu vực.
Năm 2020, Thống kê Việt Nam đứng thứ 5 trong số 9 nước Đông Nam Á (tăng 2 bậc so với năm 2010); trong đó, chỉ số phương pháp luận thống kê đứng thứ 5, chỉ số nguồn dữ liệu đứng thứ 2, chỉ số kịp thời đứng thứ 5. |
Thu Hường