(CTTĐTBP) - Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong tình hình mới và Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 05/02/2023 của ĐĂNG NHẬP HI88
, Công an tỉnh đã xây dựng nội dung "Tuyên truyền, hướng dẫn về PCCC và cứu hộ cứu nạn (CNCH) cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền” nhằm nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với công tác này trong tình hình mới hiện nay.
Nguyên tắc trong công tác PCCC và CNCH
Nguyên tác trong công tác PCCC: Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động PCCC; trong hoạt động PCCC lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra. Phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì chữa cháy kịp thời, có hiệu quả. Mọi hoạt động PCCC trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.
Nguyên tắc trong công tác CNCH: Ưu tiên cứu người bị nạn; thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, phương tiện, tài sản của người bị nạn và lực lượng CNCH; bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và thống nhất trong chỉ huy, điều hành hoạt động CNCH; lấy lực lượng, phương tiện tại chỗ là chủ yếu, lực lượng chuyên trách làm nòng cốt, huy động tổng hợp các lực lượng và nhân dân tham gia CNCH.
Quy định của pháp luật về PCCC và CNCH
Xây dựng văn bản chỉ đạo về PCCC và CNCH: Để bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần xây dựng văn bản chỉ đạo đề các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình để bảo đảm an toàn về PCCC và CNCH tại trụ sở làm việc của mình cũng như của tại trụ sở các đơn vị trực thuộc. Các văn bản chỉ đạo, gồm: Chỉ thị, Nghị quyết về công tác PCCC và CNCH; văn bản quy định về PCCC và CNCH tại cơ quan, nơi làm việc; văn bản phân công trách nhiệm của các tập thể và cá nhân trong công tác PCCC và CNCH; quyết định; xây dựng kế hoạch PCCC và CNCH cho từng thời kỳ... Xây dụng các văn bản xây dựng đơn vị điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC.
Chỉ đạo xây dựng hồ sơ quản lý về PCCC và CNCH bao gồm: quyết định thành lập đội PCCC cơ sở; quyết định thành lập các đội dân phòng trên địa bàn cấp xã; quyết định ban hành nội quy, quy định về PCCC và CNCH; bảng thống kê phương tiện PCCC và CNCH; quy chế hoạt động ngày về PCCC và CNCH; dự trù kinh phí cho hoạt động PCCC và CNCH; bản cam kết về việc đảm bảo an toàn PCCC; phương án chữa cháy của cơ sở; phương án CHCN.
Thành lập, duy trì Ban chỉ đạo PCCC, đội dân phòng: Theo quy định tại Điều 5, Điều 30 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, các cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC phải thành lập đội PCCC cơ sở hoặc chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở; Điều 30 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định Công an cấp xã có trách nhiệm tham mưu với chủ tịch UBND cùng cấp thành lập đội dân phòng trên cơ sở đề xuất của trưởng thôn và trực tiếp chỉ đạo hoạt động của đội dân phòng. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động, bảo đảm kinh phí, nơi làm việc, trang bị phương tiện, bảo đảm các điều kiện cần thiết và duy trì hoạt động của đội dân phòng.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quyết định thành lập đội PCCC cơ sở hoặc thành lập đội dân phòng tại địa bàn cấp xã. Ra quyết định phân công đội trưởng, đội phó đội PCCC cơ sở; đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Khi thành lập đội PCCC cơ sở hoặc đội dân phòng cần lựa chọn những cán bộ, công nhân viên có sức khỏe, gắn bó lâu dài.
Tổ chức duy trì hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở hoặc dân phòng: Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH; tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC và CNCH tại trụ sở làm việc, khu dân cư; tổ chức thường trực; tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án CNCH; tổ chức chữa cháy, CNCH khi xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn tại trụ sở của mình hoặc khu dân cư.
Đầu tư kinh phí trong hoạt động PCCC và CNCH: Chỉ đạo dự trù kinh phí cho hoạt động PCCC và CNCH hằng năm cho các đơn vị trực thuộc và tại trụ sở làm việc; đầu tư kinh phí trang bị phương tiện PCCC và CNCH phù hợp với đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ tại trụ sở và các đơn vị trực thuộc. Trang thiết bị phương tiện bảo đảm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Trách nhiệm kiểm tra an toàn PCCC và CNCH của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có trách nhiệm tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC trong phạm vi quản lý của mình. Mục đích việc tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC tại trụ sở và các đơn vị trực thuộc: Đánh giá ý thức, trách nhiệm quán triệt và tổ chức thực hiện các quy định, nội quy an toàn PCCC của tập thể và cá nhân trong công tác PCCC và CNCH; nắm chắc thực trạng công tác PCCC của từng bộ phận, phát hiện và có biện pháp khắc phục những vi phạm quy định an toàn PCCC, ngăn chặn nguy cơ phát sinh cháy, nổ và chuẩn bị mọi điều kiện cho việc chữa cháy, cứu người, cứu tài sản và chống cháy lan khi xảy ra chảy; phát hiện, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt công tác PCCC; phê bình những tập thể, cá nhân chưa làm tốt công tác này.
Trách nhiệm và chế độ kiểm tra: Chỉ đạo cán bộ, đội viên đội PCCC cơ sở, đội dân phòng đối với cấp xã có trách nhiệm tổ chức kiểm tra đôn đốc cán bộ, công nhân viên, người dân trong các khu dân cư thực hiện các biện pháp, giải pháp an toàn PCCC trong phạm vi quản lý của mình theo chế độ kiểm tra thường xuyên; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có trách nhiệm tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC trong phạm vi quản lý của mình theo chế độ kiểm tra đột xuất, định kỳ.
Trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, xây dựng Phong trào toàn dân PCCC và CNCH: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục nâng cao ý thức, kiến thức PCCC cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; mở các đợt cao điểm để tuyên truyền đậm nét vào các thời điểm dễ cháy như dịp hanh khô, lễ, tết hoặc dịp “Ngày toàn dân PCCC”, dịp Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy, nổ... Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ tuyên truyền viên PCCC của cơ sở để đảm nhiệm công tác tuyên truyền PCCC.
Chỉ đạo xây dựng điển hình tiên tiến trong Phong trào toàn dân PCCC và CNCH, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong địa bàn, phạm vi quản lý. Phát động phong trào quần chúng PCCC nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động PCCC.
Huấn luyện, bồi dưỡng cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có trách nhiệm tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho đội viên đội PCCC cơ sở, đội dân phòng theo quy định tại Nghị định số 83/2017/NĐ-CP và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Hằng năm, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH cho đội viên đội PCCC cơ sở, đội dân phòng.
Trách nhiệm xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, phương án CNCH: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chịu trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy của cơ sở; phương án CNCH tại trụ sở và chỉ đạo tổ chức xây dựng xây dựng phương án chữa cháy của cơ sở; phương án CNCH tại các đơn vị trực thuộc, khu dân cư.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy, phương án CNCH của cơ sở và chỉ đạo tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án CNCH. Phương án chữa cháy, phương án CNCH phải được tổ chức thực tập định kỳ ít nhất mỗi năm một lần và thực tập đột xuất khi có yêu cầu. Lực lượng, phương tiện có trong phương án khi được huy động thực tập phải tham gia đầy đủ.
Trách nhiệm trong công tác chữa cháy, CNCH: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có trách nhiệm tổ chức chữa cháy, CNCH khi xảy ra sự cố cháy, nổ tại trụ sở nơi làm việc, khu dân cư, chỉ đạo công tác chữa cháy, CNCH khi xảy ra cháy; huy động lực lượng phương tiện tham gia chữa cháy, CNCH khi xảy ra sự cố cháy, nổ trong phạm vi quản lý./.