TAND huyện Đồng Phú xét xử lưu động vụ án “cố ý làm hư hỏng tài sản”. Ảnh: Khắc Bảy.
Yêu cầu này vừa được Thường trực HĐND tỉnh cũng như ngành TAND tỉnh đề ra thực hiện trong nhiệm kỳ 2016-2021 tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa 8 (diễn ra vào ngày 8/4/2016). Thường trực HĐND tỉnh cũng yêu cầu ngành TAND tỉnh trong nhiệm kỳ tới khắc phục tình trạng án quá hạn, kiên quyết không để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Song song đó, ngành cần kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ; bồi dưỡng, giáo dục nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức nhằm đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp.
Theo báo cáo tổng kết thực hiện nhiệm kỳ 2011-2015 của ngành TAND tỉnh, trong nhiệm kỳ, TAND 2 cấp (huyện, tỉnh) đã thụ lý 33.174 vụ án các loại (hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính), đã giải quyết 32.471 vụ, đạt tỷ lệ 97,8%. Hàng năm, TAND tỉnh tổ chức 2 đợt kiểm tra công tác xét xử tại TAND các huyện, thị xã; kiểm tra thường xuyên đối với các bản án quyết định mà cấp sơ thẩm gửi lên. Qua công tác kiểm tra đã phát hiện ra các sai sót đề nghị chấn chỉnh kịp thời, tổ chức họp rút kinh nghiệm 2 lần/năm. Những bản án, quyết định sai sót nghiêm trọng đã tiến hành kháng nghị giám đốc thẩm để xem xét lại bản án. Trong kỳ, đã thụ lý 70 vụ án giám đốc thẩm, giải quyết 70 vụ.
Một số vụ án bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy để xét xử lại. Nguyên nhân là do án có thời gian xảy ra lâu, tính chất vụ án và đương sự có nhiều thay đổi. Nhiều vụ án dân sự, các đương sự không hợp tác với tòa án khi được triệu tập làm việc, yêu cầu cung cấp chứng cứ hoặc bị đơn cố tình né tránh để chậm thực hiện nghĩa vụ. Các vụ án hành chính gặp nhiều khó khăn do liên quan đến một số quy định, hệ thống pháp luật hành chính phức tạp, chồng chéo hoặc các văn bản quy phạm pháp luật có sự thay đổi, bổ sung trong quá trình thụ lý, giải quyết án./.
Thế Sơn