Đối tượng áp dụng Nghị định 24a là các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực VLXD trên lãnh thổ Việt Nam. Nguồn ảnh: vinameco.com.
Nội dung thẩm định quy hoạch phát triển VLXD địa phương bao gồm: Cơ sở pháp lý để lập quy hoạch; cơ sở khoa học, độ tin cậy của các thông tin, số liệu, tài liệu để xây dựng quy hoạch; sự phù hợp của quy hoạch với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tính thống nhất với quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam, quy hoạch phát triển VLXD chủ yếu và các quy hoạch ngành khác có liên quan. Quy hoạch phát triển VLXD địa phương phù hợp về mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển VLXD của địa phương theo từng giai đoạn; các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu, phương án bố trí hợp lý các nguồn lực. Các giải pháp thực hiện quy hoạch, tính khả thi của quy hoạch và các biện pháp quản lý thực hiện quy hoạch. Sự phù hợp của quy hoạch với chiến lược bảo vệ môi trường.
Thời kỳ lập quy hoạch phát triển VLXD là 10 năm, tầm nhìn 20 năm. Việc điều chỉnh quy hoạch phát triển VLXD phải căn cứ kết quả rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch theo từng thời kỳ; chỉ điều chỉnh những nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội hoặc để đảm bảo cân đối cung – cầu và bình ổn thị trường của cả nước.
Các nội dung này được quy định tại Nghị định số 24a ngày 5/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng. Nghị định 24a có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/5/2016 và thay thế Nghị định số 124 ngày 31/7/2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng./.
Nhật Phong