Xem chi tiết Nghị định số 91/2017/NĐ-CP: Tại đây.
Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định nguyên tắc khen thưởng: Hình thức khen thưởng phải phù hợp với đối tượng, chức năng, nhiệm vụ được giao của tập thể, cá nhân và thành tích đạt được. Khen thưởng phải căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn và thành tích đạt được, không nhất thiết phải có hình thức khen thưởng mức thấp mới được khen thưởng mức cao hơn. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ và cá nhân là người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác hoặc chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
Không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được. Hình thức khen thưởng theo đợt, chuyên đề không tính làm điều kiện, tiêu chuẩn đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước. Khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lựa chọn cá nhân nữ hoặc tập thể có tỷ lệ nữ từ 70% trở lên để xét khen thưởng. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được giảm 1/3 thời gian so với quy định chung; trường hợp quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn thì thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được thực hiện theo quy định chung.
Nghị định cũng quy định rõ hình thức tổ chức thi đua: Thi đua thường xuyên, thi đua theo đợt (chuyên đề); nội dung tổ chức phong trào thi đua; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong triển khai tổ chức phong trào thi đua. Quy định danh hiệu thi đua và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua đối với Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, Chiến sĩ thi đua cơ sở; danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ tiên tiến, Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương. Quy định hình thức, đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng đối với Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Quân công hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; Huân chương Dũng cảm; Huân chương Hữu nghị và các loại huy chương, kỷ niệm chương, huy hiệu, bằng khen, giấy khen.
Về tuyến trình khen thưởng, cấp nào quản lý về tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quỹ lương thì cấp đó có trách nhiệm khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý. Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương, cán bộ thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội quản lý, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, do Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách ở địa phương do Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tổng hợp hồ sơ, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng. Tập thể, cá nhân làm chuyên trách công tác đảng, đoàn thể: Cấp nào quản lý về tổ chức, cán bộ, công chức và quỹ lương thì cấp đó xét khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng.
Nghị định số 91/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2017 và thay thế Nghị định số
42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010, Nghị định số
39/2012/NĐ-CP ngày 27/4/2012, Nghị định số
65/2014/NĐ-CP ngày 1/7/2014 của Chính phủ. Đối với với việc xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”; “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”, “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” thực hiện theo quy định tại các nghị định của Chính phủ quy định việc xét tặng các giải thưởng, danh hiệu nêu trên./.
Nhật Phong