Thông tư số 41/TT-BTTTT quy định chậm nhất sau 12 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành, các cơ quan, tổ chức đang sử dụng các phần mềm có chức năng ký số, kiểm tra chữ ký số chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và chức năng quy định tại Thông tư này thực hiện việc nâng cấp, bổ sung phần mềm ký số, phần mềm kiểm tra chữ ký số để đáp ứng quy định. Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm phổ biến việc thực hiện các quy định của Thông tư này; hàng năm báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia) về tình hình sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử tại cơ quan, tổ chức.
Thông tư số 41/TT-BTTTT quy định về ký số, kiểm tra chữ ký số trên văn bản điện tử; yêu cầu kỹ thuật và chức năng của phần mềm ký số, phần mềm kiểm tra chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước. Thông tư này không quy định việc sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử chứa thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước. Thông tư được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức bao gồm: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp, các đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử của cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, khuyến khích các cơ quan, tổ chức khác áp dụng.
Thông tư số 41/TT-BTTTT gồm 4 chương, 18 điều, quy định về các nội dung: Nguyên tắc sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử; quản lý khóa bí mật cá nhân và khóa bí mật con dấu; các quy định về ký số, kiểm tra chữ ký số trên văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước; yêu cầu kỹ thuật và chức năng đối với phần mềm ký số, kiểm tra chữ ký số và các quy định tổ chức thực hiện./.