Xem chi tiết Thông tư số 45/2017/TT-BTTTT: [Tại đây]
Đây là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức chuyên ngành CNTT trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Các đơn vị sự nghiệp công lập căn cứ quy định tại Thông tư số 45 để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ viên chức phù hợp với quy định tại thông tư.
Các ngành đào tạo đúng về CNTT
Theo Thông tư số 45, các ngành đào tạo đúng về CNTT bao gồm: Tin học, Điện tử tin học, Khoa học máy tính, Truyền thông và mạng máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, CNTT, An toàn thông tin, Công nghệ kỹ thuật máy tính, Công nghệ truyền thông, Hệ thống thông tin quản lý, Kỹ thuật máy tính, Tin học ứng dụng, Toán ứng dụng và các ngành thuộc nhóm ngành máy tính và CNTT theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV - trình độ cao đẳng, đại học. Các ngành gần đào tạo về CNTT bao gồm: Sư phạm Tin học, Điện tử - Viễn thông.
Có 4 hạng viên chức CNTT
Khoản 1, Điều 2 của Thông tư số 45 quy định viên chức CNTT gồm 4 hạng. Trong đó, hạng I bao gồm các chức danh viên chức: An toàn thông tin hạng I, Quản trị viên hệ thống hạng I, Kiểm định viên CNTT hạng I, Phát triển phần mềm hạng I. Viên chức CNTT hạng II bao gồm các chức danh viên chức: An toàn thông tin hạng II, Quản trị viên hệ thống hạng II, Kiểm định viên CNTT hạng II, Phát triển phần mềm hạng II. Viên chức CNTT hạng III bao gồm các chức danh viên chức: An toàn thông tin hạng III, Quản trị viên hệ thống hạng III, Kiểm định viên CNTT hạng III, Phát triển phần mềm hạng III. Viên chức CNTT hạng IV bao gồm các chức danh viên chức: Quản trị viên hệ thống hạng IV, Phát triển phần mềm hạng IV.
Chương II của Thông tư số 45 quy định rõ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với các chức danh: An toàn thông tin (hạng I, II, II); Quản trị viên hệ thống (hạng I, II, III, IV); Kiểm định viên CNTT (hạng I, II, III); Phát triển phần mềm (hạng I, II, III, IV). Đối với mỗi chức danh nghề nghiệp theo hạng cụ thể đều được thông tư quy định rõ về tiêu chuẩn “nhiệm vụ”, “trình độ đào tạo, bồi dưỡng” hoặc “năng lực chuyên môn, nghiệp vụ”.
Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp
Cũng theo Thông tư số 45, viên chức CNTT phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp. Cụ thể là: (1) Chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về thông tin và truyền thông; (2) Nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật Nhà nước về lĩnh vực chuyên ngành; (3) Trung thực, khách quan, có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao, thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của người viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.
(4) Có ý thức trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín nghề nghiệp, không lạm dụng vị trí công tác, nhiệm vụ được phân công để trục lợi, đoàn kết, sáng tạo, sẵn sàng tiếp thu, học hỏi cái mới, tự nâng cao trình độ, có ý thức phối hợp, giúp đỡ đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác, tích cực tham gia nghiên cứu đề tài khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật để phát triển nghề nghiệp và nâng cao trình độ; (5) Tuân thủ pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, đảm bảo an toàn, bí mật thông tin và an ninh, quốc phòng./.