(CTTĐTBP) - Chuyển đổi số không phải là cụm từ mới mẻ trong những năm gần đây, đặc biệt là với doanh nghiệp (DN), song, điều quan tâm là chuyển đổi số cần bắt tay thực hiện thế nào cho hiệu quả? Bởi để chuyển đổi số thành công, không chỉ đầu tư mua sắm trang thiết bị mà quan trọng hơn là DN phải đổi mới tư duy, đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số. Thời gian qua, tỉnh cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa chủ động đổi mới mô hình sản xuất - kinh doanh, tái cấu trúc DN gắn với chuyển đổi số, đặc biệt khuyến khích DN đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để biến thách thức thành cơ hội.
“VŨ KHÍ” GIÚP DOANH NGHIỆP ĐỔI MỚI
Bình Phước là vùng trồng và chế biến điều lớn của cả nước với khoảng 280 DN và hơn 400 cơ sở kinh doanh, chế biến hạt điều, trong đó có khoảng 30 DN tham gia xuất khẩu. Các DN điều đang từng bước tham gia sâu vào quá trình chuyển đổi số bằng việc đầu tư máy móc công nghệ hiện đại vào sản xuất và quản trị DN để có thể đứng vững và khẳng định vị thế của tỉnh trên thị trường thế giới.
Để thích ứng, nhiều năm nay Công ty TNHH MTV SX-TM-DV An Hiển (ấp 1, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng) đã số hóa toàn bộ máy móc và quy trình sản xuất của nhà máy như: máy chẻ hạt điều, máy bóc vỏ lụa, máy phân loại, máy bắn màu, băng tải chuyền hoạt động tự động hóa... giúp giảm trên 80% lao động. Trước đây, toàn bộ hoạt động của nhà máy phải sử dụng đến 500 công nhân thì nay chỉ còn 70 công nhân, năng suất lại tăng hơn gấp nhiều lần. Quản trị hành chính cũng dễ dàng hơn nhờ các phần mềm quản lý được đưa lên hệ thống.
Chị Nguyễn Thị Vương, kế toán công ty chia sẻ: “Hiện mỗi tháng công ty xuất hơn 20 container điều nhân trắng qua các nước châu Âu, vì vậy thủ tục hành chính phát sinh rất nhiều. Từ năm 2020 đến nay, tất cả giao dịch với đối tác trong và ngoài nước đều được công ty thực hiện bằng hợp đồng điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng với đó, ứng dụng các phần mềm vào việc số hóa các văn bản, đẩy nhanh quy trình giải quyết thủ tục thuế, hải quan qua hóa đơn điện tử, khai báo thuế điện tử, hải quan điện tử, đóng bảo hiểm cho người lao động online và giao tiếp nội bộ qua các ứng dụng mạng xã hội… giúp DN tiết kiệm tối đa chi phí trong quá trình sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh thông qua tự động hóa, từ đó tìm kiếm thêm nhiều đơn hàng, khách hàng nước ngoài mới”.
Công ty TNHH MTV SX-TM-DV Hải Hưng (thôn 4, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng) đi lên từ một xưởng sản xuất quy mô nhỏ nên ông Hoàng Quốc Hải, đại diện công ty hiểu hơn ai hết máy móc công nghệ hiện đại đang mang lại những lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn trong thời điểm nền kinh tế mở như hiện nay. Tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu, châu Mỹ buộc DN phải liên tục cải tiến dây chuyền sản suất, vì vậy mà công nghệ chính là xương sống nuôi dưỡng DN trụ vững giữa tác động của thị trường.
Đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại theo quy trình khép kín từ chẻ nguyên liệu đến đóng gói sản phẩm là cách mà chúng tôi mang đến khách hàng những sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chí về an toàn thực phẩm. Trung bình mỗi tháng, công ty xuất khẩu 10 container điều nhân trắng đi các nước châu Âu và châu Phi. Nhờ áp dụng chuyển đổi số đã tiết giảm 90% nhân sự không cần thiết nên chi phí trả lương giảm, hiệu suất kinh doanh tăng. Qua đó có thể thấy rằng, chuyển đổi số không chỉ là “phao cứu sinh” vượt khó mà còn là chất “xúc tác” giúp DN có sức bật vươn xa với thị trường thế giới.
Ông Hoàng Quốc Hải, đại diện Công ty TNHH MTV SX-TM-DV Hải Hưng
Với tâm thế chủ động ứng dụng công nghệ, hầu hết DN chế biến điều trong tỉnh đã quen với việc sử dụng phần mềm khai báo thuế, chữ ký số, phần mềm kế toán, thanh toán điện tử, phần mềm quản lý nhân sự, quản lý chứng từ, kho hàng… Khi dịch bệnh bùng phát, hoạt động bán hàng trực tiếp bị thu hẹp, các công ty này đã nhanh chóng có giải pháp thích ứng, đẩy mạnh hình thức kết nối với khách hàng bằng hình thức trực tuyến, qua đó đã giúp các công ty hồi phục sản xuất nhanh hơn.
ĐỒNG HÀNH TRÊN HÀNH TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ
Toàn tỉnh hiện có 8.900 DN, trong đó phần lớn là DN nhỏ và vừa. Hầu hết DN trên địa bàn tỉnh đều biết rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nhưng rào cản lớn nhất vẫn là vốn đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao để làm chủ công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có rất nhiều đơn vị cung cấp các giải pháp nền tảng hỗ trợ DN vừa, nhỏ, siêu nhỏ chuyển đổi số trong quản lý tài chính kế toán, quản trị văn phòng.
Ông Lê Hữu Nguyên, Giám đốc Công ty cổ phần Misa chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết: Đối với những DN không thể xây dựng đội ngũ kế toán, phải thuê kế toán dịch vụ, Misa đang phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tặng cho khoảng 30.000 DN sử dụng miễn phí nền tảng trong 1 năm. Các nền tảng, giải pháp này giúp DN vừa, nhỏ, siêu nhỏ có thể chuyển đổi số nhanh hơn.
Đồng hành với DN vừa và nhỏ trong công cuộc chuyển đổi số, VNPT Bình Phước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, cung cấp đa dạng sản phẩm dịch vụ và giải pháp chuyển đổi số cho các DN, giúp DN định hình mục tiêu quan tâm, nghiệp vụ cần thực hiện để chuyển đổi số một cách rõ ràng.
Khi DN có nhu cầu chuyển đổi số cần hỗ trợ thì VNPT sẽ đáp ứng toàn bộ nền tảng công nghệ. Hiện DN sử dụng gói cước dịch vụ của VNPT đang được giảm giá từ 20-30%; khuyến mãi cho các DN vừa và nhỏ từ 200-300 hóa đơn điện tử. Vì vậy, DN chuyển đổi số chỉ cần trang bị máy tính, đưa hoạt động sản xuất - kinh doanh lên hệ thống, sử dụng thanh toán online, xuất hóa đơn điện tử thì đã hoàn thành chuyển đổi số với kinh phí khoảng 500 ngàn đồng/tháng.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Bình Phước
Trong xu thế của công nghệ 4.0, DN muốn phát triển, thích ứng được trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, bắt buộc phải chuyển đổi số. Các DN nhỏ và vừa tại tỉnh đang đóng góp 40% trong tổng thu ngân sách của tỉnh. Vì vậy, sự phát triển lớn mạnh, bền vững của cộng đồng DN có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên cơ sở nghị quyết về chuyển đổi số của Tỉnh ủy, ĐĂNG NHẬP HI88
cũng ban hành các chủ trương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong chuyển đổi số. Tỉnh đang đầu tư dòng ngân sách hợp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khuyến khích DN đổi mới, sáng tạo, tăng năng suất lao động, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để hướng đến nền kinh tế số trong tương lai./.