(CTTĐTBP) - Địa danh Đồng Xoài trở nên gần gũi, thân thương với mọi người và địa phương cả nước với tên gọi Đồng Xoài rực lửa chiến công. Đã 57 năm trôi qua kể từ ngày chiến thắng Đồng Xoài (9-6-1965 - 9-6-2022) nhưng ký ức về một thời bom đạn đầy hào hùng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những chiến sĩ Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 năm xưa, đơn vị chủ lực được Trung ương Cục, Bộ chỉ huy Miền đưa về cùng lực lượng bộ đội địa phương làm nên một Đồng Xoài rực lửa chiến công.
Đồng Xoài trước ngày giải phóng còn gọi là Đôn Luân, là địa danh chiến lược trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong kháng chiến chống Mỹ, Chi khu Đồng Xoài là một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ của địch. Từ đây có thể khống chế các trục giao thông huyết mạch nối liền Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và Đông Bắc Campuchia. Đây là chiến trường giằng co giữa ta và địch, cũng là nơi quân và dân ta làm nên những chiến công vang dội, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Người Bí thư bất đắc dĩ
Ông Hà Văn Cheo, nguyên cán sự Chính trị Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 trong chiến dịch Đồng Xoài kể lại: Đúng 11 giờ đêm 9-6-1965, pháo ta bắn vào Chi khu Đồng Xoài. Sau đó, các mũi công binh tiến vào mở đường, đặc công tiến vào đánh bộc phá tạo điều kiện cho bộ đội tiến lên tiêu diệt địch. Ngay từ đầu trận đấu, quân ta gặp nhiều tình huống phức tạp, bọn địch nghe tiếng đạn pháo, bộc phá đã hoảng sợ nên bắn pháo loạn xạ, không ngừng, quân ta thương vong nhiều. Ông kể: “Lúc đó, khoảng 12 giờ khuya 9-6, tôi được cấp trên gọi ra và nói: Hiện Tiểu đội trưởng đã hy sinh, Tiểu đội phó bị thương nặng, vì thế đồng chí (tức là tôi khi đó là cán sự Chính trị Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9) được chỉ định làm Bí thư chi bộ, kiêm Chính trị viên Đại đội 2. Nhiệm vụ của tôi được giao là tổ chức đột phá vào lô cốt đầu cầu, mở cửa cho trận đánh vào Chi khu Đồng Xoài và quyết định sự thành công của chiến dịch”.
Cây đuốc sống của Trung đoàn 2
Ông Nguyễn Văn Xích, chiến sĩ thông tin Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 năm xưa được đồng đội đặt cho biệt danh “cây đuốc sống” của trung đoàn. Nay ông đã gần 80 tuổi nhưng những vết thương của chiến tranh vẫn in hằn trên gương mặt và thân thể ông. Ông Xích kể lại: Khoảng 5 giờ sáng 9-6, ông và đồng đội đánh vào lô cốt đầu cầu để mở đường đánh vào trung tâm. Quân ta ào ạt xông vào trận địa và được lệnh giữ nguyên trận địa. Nghe vậy, Mỹ ra lệnh thả bom hủy diệt trận địa thì trúng vào lô cốt của ông và đồng đội. Ông tháo chạy, mang theo ngọn lửa cháy trên người, lăn trên đất đỏ Đồng Xoài nên đồng đội gọi là “cây đuốc sống”.
Ác liệt và kịch tính
Ông Nguyễn Thanh Quang, nguyên cán sự Tham mưu Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 kể: Chi khu Đồng Xoài rất đặc biệt, bên ngoài đắp một bờ đê vòng cả ấp chiến lược, cao khoảng 4-5 thước, đất dày 2-3m. Khi quân ta bao vây đến Chi khu Đồng Xoài chỉ đứng ngóng vào chứ không thể bắn qua được. Ngoài bờ tường còn 8 lớp rào gồm kẽm gai, gỗ, chông… Song song đó là lựu đạn gài và trái sáng. Bên trong có các lỗ châu mai bố trí rất chặt chẽ, có 5 lô cốt và 5 hầm ngầm. Địch thường xuyên bố trí 4 đại đội biệt kích vừa đi bên trong vừa rảo bên ngoài. Thêm đại đội bảo an và 42 nhà cố vấn tâm lý chiến. Mỹ tăng cường 7 xe bù lu, bọc thép và hỏa lực. Vì thế, lúc đầu quân ta đánh vào như muối bỏ biển. Đánh trận Đồng Xoài diễn biến vô cùng ác liệt và kịch tính. Bấy giờ, Đại đội trưởng hy sinh tại chỗ, Đại đội phó và Tiểu đoàn trưởng bị thương nặng. Hướng thứ yếu Tiểu đoàn 5 thì không bắn vào được. Tưởng rằng quân ta không thắng nổi. Thế nhưng với tinh thần “quyết tử để giải phóng Đồng Xoài”, “không chiến thắng Đồng Xoài là không trở về”, từ Trung đoàn trưởng đến anh nuôi cùng bộ đội địa phương đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, vừa đánh vừa đào công sự tại chỗ, bám chắc trận địa, cương quyết đánh tan quân địch tại Chi khu Đồng Xoài. Đến 13 giờ 50 phút ngày 10-6-1965, bộ đội ta đã tiêu diệt quân địch, làm chủ Chi khu Đồng Xoài.
Kết quả của trận đánh Chi khu Đồng Xoài, ta đã tiêu diệt 608 tên địch, trong đó có 42 cố vấn Mỹ, thu 148 súng, 2 vạn viên đạn, bắn rơi 7 máy bay và phá hủy 250 súng các loại.
Vui trong nước mắt
Ông Hà Văn Cheo xúc động cho biết thêm: Chiến thắng Đồng Xoài ai cũng vui mừng khôn xiết, nhưng khi đại đội đánh xong, anh nuôi nấu cơm chờ mà đại đội gần 100 người chỉ còn mấy người trở về, ăn cơm không nổi. Chỉ biết khóc thôi.
Ông Nguyễn Thanh Quang nhớ lại: Chiến thắng Đồng Xoài rồi thấy khỏe ru, nhẹ cả người nhưng nhìn lại đồng đội hy sinh quá lớn, máu đổ quá nhiều. Đặc biệt, mưa bom lửa đạn không lời nào tả nổi. Người lính Đồng Xoài mới đặt tên là Đồng Xoài rực lửa. Với tôi, chiến thắng Đồng Xoài là mốc son lịch sử, mãi là niềm tự hào của các thế hệ chiến sĩ Trung đoàn 2, Sư đoàn 9.
Ông Nguyễn Văn Xích tự hào cho biết: “Chiến thắng Đồng Xoài vô cùng vĩ đại. Nhớ lại lời của tù binh ngụy: các ông đánh được Đồng Xoài thì chỗ nào của miền Nam các ông cũng đánh được hết. Là người lính, tôi cảm thấy càng tự hào khi đã góp một phần xương máu của mình làm nên chiến thắng Đồng Xoài”.
Trận chiến Đồng Xoài diễn ra từ ngày 9-6-1965 đến 12-6-1965, chiến thắng đã vượt quá mong đợi của Bộ Tư lệnh Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Chiến thắng Đồng Xoài cùng với chiến thắng Bình Giã, Ba Gia đã góp phần làm thất bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.
Sự kiện Đồng Xoài rực lửa chiến công năm 1965 đã làm nức lòng quân và dân cả nước, là bản hùng ca về tình quân dân gắn bó; là kết quả những đêm không ngủ của cả núi rừng Bình Phước với tiếng hành quân, tiếng giã gạo nuôi quân để chuẩn bị cho chiến dịch; là minh chứng hào hùng về truyền thống đấu tranh cách mạng anh hùng, bất khuất của quân và dân Đồng Xoài./.