(CTTĐTBP) - Ngày Đại dương thế giới (8/6) hằng năm là dịp để nhắc về vai trò không thể thay thế của đại dương đối với Trái đất. “Sự hồi sinh: Hành động tập thể vì đại dương” được chọn làm chủ đề của Ngày Đại dương thế giới năm 2022, nhằm kêu gọi sự đoàn kết của toàn thế giới trong bảo vệ “sức khỏe” của đại dương, cũng chính là bảo đảm cho tương lai bền vững của nhân loại.
Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, đại dương bao phủ hơn 70% diện tích Trái đất, được xem là “lá phổi xanh” khổng lồ cung cấp khoảng 50% lượng oxy cho hành tinh. Đại dương cũng chính là nơi hấp thụ 30% lượng khí CO2 do con người thải ra, qua đó góp phần làm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Đại dương là nguồn cung cấp protein chính cho hàng tỷ người trên thế giới. Khoảng 3 tỷ người sống phụ thuộc vào hệ sinh thái đại dương và ven biển. Khoảng 680 triệu người sống ở các vùng đất trũng ven biển và con số này được dự báo sẽ tăng lên khoảng 1 tỷ người vào năm 2050. Hiện khoảng 80% lưu lượng giao thương hàng hóa toàn cầu vận chuyển bằng đường biển.
Tuy nhiên, theo Liên hợp quốc, con người đã lấy từ đại dương nhiều hơn những gì có thể bù đắp. Tình trạng ô nhiễm, khai thác quá mức, các tác động của biến đổi khí hậu đang khiến các nguồn tài nguyên đại dương cạn kiệt. Khoảng 90% quần thể cá lớn trong đại dương đã biến mất, 50% số rạn san hô bị phá hủy.
Trong khi đó, con người vẫn không ngừng thải rác ra đại dương. Trong bản báo cáo được tổng hợp từ hơn 2.000 công trình nghiên cứu về những tác động tiêu cực của rác thải nhựa đối với các đại dương, đa dạng sinh học và sinh thái biển, Quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên cho biết, rác thải nhựa đã xuất hiện ở những vùng xa xôi nhất và nguyên sinh của Trái đất như trong các tảng băng ở Bắc Cực hay trong bụng các loài cá sinh sống tại khu vực sâu nhất của đại dương là Rãnh Mariana.
Theo Quỹ này, mỗi năm đại dương còn phải hứng chịu khoảng 19 đến 23 triệu tấn nhựa, trong đó số lượng rác thải nhựa dùng một lần chiếm tới 60%. Các sản phẩm nhựa trên thế giới được dự báo sẽ còn tăng gấp đôi vào năm 2040, đồng nghĩa ô nhiễm đại dương do rác thải nhựa sẽ tăng gấp ba lần so mức hiện nay.
Trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science, các nhà khoa học của Trường đại học Washington và Trường đại học Princeton (Mỹ) cảnh báo, vào năm 2300, sự sống trong các đại dương sẽ đối mặt với nguy cơ diệt vong hàng loạt tương tự cuộc đại tuyệt chủng tồi tệ nhất trên trái đất cách đây khoảng 250 triệu năm, nếu nhân loại không hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Ngày Đại dương thế giới lần đầu tiên được tổ chức theo đề xuất của Chính phủ Canada năm 1992 tại Hội nghị cấp cao Trái đất diễn ra ở Rio de Janeiro của Brazil. Từ năm 2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức chọn ngày 8/6 hằng năm là Ngày Đại dương thế giới, nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các nhà quản lý về vai trò quan trọng của biển và đại dương trong đời sống hằng ngày con người và các sinh vật sống trên Trái đất.
Năm 2022 được đánh giá là một năm bản lề của hoạt động bảo vệ đại dương với một loạt các sự kiện liên quan đến biển và đại dương. Thế giới đang trong năm thứ hai của Thập niên khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững do Liên hợp quốc phát động (2021-2030), với mục tiêu thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ đại dương bền vững. Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc năm 2022 dự kiến được tổ chức từ ngày 27/6 đến 1/7 tại Lisbon, Bồ Đào Nha sẽ là cơ hội lớn để đẩy mạnh hơn nữa thực hiện mục tiêu bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển.
Trong thông điệp nhân Ngày Đại dương thế giới năm 2022, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) hối thúc nhân loại tận dụng cơ hội hiếm hoi để điều chỉnh mối quan hệ với thế giới tự nhiên, bao gồm cả biển và đại dương. Người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi mọi người dân trên Trái đất đoàn kết, cùng hành động bảo vệ đại dương giống như cách thế giới đã cùng nhau nỗ lực để chấm dứt đại dịch và xây dựng lại tốt đẹp hơn./.