- Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.
Khi có yêu cầu và đủ điều kiện để được trợ giúp pháp lý, người trợ giúp pháp lý được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý mà không phải trả bất kỳ khoản tiền, lợi ích vật chất (tiền, ngoại tệ, kim đá quý,…) và lợi ích khác ( có thể là bắt thực hiện một công việc nào đó trái ý muốn,.).
Trong trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý có hành vi nhận hoặc đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý thì người được trợ giúp pháp lý có quyền tố cáo hành vi đó với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
- Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.
- Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan.
- Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.
Khi tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý, người được trợ giúp pháp lý có quyền yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp không được tiếp tục thực hiện hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
- Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Trong trường hợp người được trợ giúp pháp lý muốn thay đổi hoặc rút yêu cầu trợ giúp pháp lý thì người được trợ giúp pháp lý làm đơn và nêu rõ yêu cầu thay đổi hoặc rút yêu cầu trợ giúp pháp lý gửi tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý vi phạm quy định của pháp luật gây thiệt hại cho người được trợ giúp pháp lý thì người được trợ giúp pháp lý có quyền yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật Trợ giúp pháp lý: Người được trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại đối với hành vi sau đây của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình: (1) Từ chối thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý; (2) Không thực hiện trợ giúp pháp lý; (3) Thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng pháp luật; (4) Thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng pháp luật.
Người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với hành vi trên trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lên Giám đốc Sở Tư pháp.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp có hiệu lực thi hành.