* Hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý bao gồm các loại giấy tờ sau:
- Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý (theo mẫu số 02-TP-TGPL Ban hành kèm theo Thông tư số 12/2018/TT-BTP), ghi rõ: Họ và tên người yêu cầu trợ giúp pháp lý, họ và tên người được trợ giúp pháp lý, ngày tháng năm sinh, địa chỉ liên hệ, số điện thoại,… diện người được trợ giúp pháp lý, nội dung yêu cầu trợ giúp pháp lý);
- Giấy tờ chứng minh đối tượng là người được trợ giúp pháp lý;
- Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý (ví dụ như: Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai của UBND xã, thông báo thụ lý vụ án, Quyết định khởi tố bị can,...).
*Việc nộp hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý được thực hiện như sau:
Người yêu cầu trợ giúp pháp lý có thể chọn một trong ba cách thức nộp hồ sơ như sau:
- Nộp trực tiếp: Trường hợp nộp trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp các giấy tờ, tài liệu theo quy định; xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý. Trường hợp người yêu cầu trợ giúp pháp lý không thể tự mình viết đơn yêu cầu thì người tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý sẽ có trách nhiệm ghi các nội dung vào mẫu đơn để người yêu cầu trợ giúp pháp lý tự đọc hoặc người tiếp nhận đọc lại cho người yêu cầu nghe, người yêu cầu ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn;
- Nộp qua dịch vụ bưu chính: Trường hợp gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp các giấy tờ, tài liệu theo quy định, bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;
- Gửi qua fax, hình thức điện tử: Trường hợp gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử, khi gặp người thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý phải xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.
* Cách thức yêu cầu trợ giúp pháp lý:
- Tự mình yêu cầu trợ giúp pháp lý;
- Thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.