Kế hoạch đề ra mục tiêu chung là xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để các em có cơ hội hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển.
Đồng thời cũng đề ra các mục tiêu cụ thể sau:
- Đảm bảo tối thiểu 95% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế đúng thời gian quy định và được khám, chữa bệnh theo quy định.
- Duy trì tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi học mẫu giáo đạt 99,6%; tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp một đạt 100%; trong đó, đặc biệt quan tâm đến trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật.
- Phấn đấu 90% các quyết định có liên quan trến trẻ em ở cộng đồng, xã hội được tham vấn ý kiến trẻ em.
- Phấn đấu 80% học sinh được hướng dẫn và biết kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông. Tăng dần tỷ lệ học sinh tiểu học, trung học cơ sở được học bơi, biết bơi, có kỹ năng tự cứu khi bị đuối nước.
- Phấn đấu tỷ lệ xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi cho trẻ em đạt trên 60%.
- Phấn đấu có trên 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc để phục hồi, tái hào nhập và có cơ hội phát triển.
- Trên 98% trẻ em sinh ra được làm giấy khai sinh đúng hạn.
- Có 100% xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.
Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Triển khai các hoạt động và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 và các Đề án, kế hoạch chăm sóc trẻ em khác.
2. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương, tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: đảm bảo việc thực hiện quyền trẻ em; các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích. Quảng bá rộng rãi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) và đường dây tư vấn cộng đồng của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (02713 825 825) và các cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực.
3. Củng cố, bố trí cán bộ làm công tác trẻ em tại các xã, phường, thị trấn và ưu tiên bố trí công việc hợp lý, có chính sách hỗ trợ cho người làm công tác trẻ em tại cấp xã. Duy trì đội ngũ cộng tác viên làm công tác trẻ em tại các thôn, ấp, khu phố.
4. Các đơn vị phải bố trí kinh phí để thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của các chương trình, kế hoạch về trẻ em tại địa phương, đơn vị. Các huyện, thị xã, thành phố ưu tiên bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng điểm vui chơi giải trí, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em.
5. Xây dựng Chương trình hành động vì trẻ em, giai đoạn 2021-2030, Chương trình bảo vệ trẻ em, Kế hoạch hành động phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
6. Tiếp tục cập nhật thông tin về trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em bị tai nạn thương tích vào hệ thống cơ sở dữ liệu trẻ em ở địa phương. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo về công tác trẻ em.
7. Triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 cho trẻ em, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch.
8. Tổ chức tốt tháng hành động vì trẻ em năm 2021, Diễn đàn trẻ em các cấp, tết Trung thu năm 2021 với chủ đề: “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”.
9. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời hỗ trợ các địa phương giải quyết vướng mắc nhằm đạt kết quả tốt trong công tác trẻ em.
10. Tăng cường trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội của Hội đồng nhân dân, Ủy ban MTTQVN các cấp và các tổ chức thành viên về thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt là việc bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em. Thực hiện và nhân rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đến từng địa bàn dân cư.
Xem chi tiết kế hoạch tại đây.