Từ 01/1/2015, Việt Nam cắt giảm 1.720 dòng thuế từ mức thuế suất 5% về 0% theo Hiệp định FTA Việt Nam - ASEAN. Năm 2015 chỉ còn 7% dòng thuế, tương đương với khoảng trên 600 mặt hàng được coi là nhạy cảm chưa cắt giảm về 0%. EU là một trong những thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng da giầy, dệt may và nông nghiệp, thủy sản. Theo thống kê năm 2014, EU là thị trường nhập khẩu da giầy lớn nhất với trị giá trên 2 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm đến trên 35% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Tiếp sau là các mặt hàng dệt may, thủy sản với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 1,98 tỷ USD và trên 950 triệu USD. Hiện tại, EU là bạn hàng lớn thứ 2 về xuất khẩu, thứ 5 về nhập khẩu của Việt Nam. Sau khi ký Hiệp định, sẽ có 90% hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU được hưởng mức thuế suất 0%. Nhằm tận dụng cơ hội từ thị trường EU, hiện Việt Nam đang điều chỉnh chiến lược thu hút vốn đầu tư với khả năng chuyển giao công nghệ mới…Tuy nhiên, EU là một thị trường khó tính, cạnh tranh đòi hỏi những yêu cầu kỹ thuật, khả năng quản trị, công nghệ cao nếu doanh nghiệp Việt Nam không thay đổi để thích ứng thì khó có thể tham gia sâu vào thị trường này.
Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc không chỉ có ý nghĩa tăng cường hợp tác thương mại song phương hướng tới mục tiêu 70 tỷ USD vào năm 2020 mà còn góp phần thúc đẩy toàn diện quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc. Theo dự báo, khi thực hiện Hiệp định song phương FTA này, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ có một “cuộc đổ bộ” lớn vào Việt Nam. Tính đến nay, Hàn Quốc là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam cả về quy mô tổng vốn đầu tư và cả số dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 36,71 tỷ USD và 4.063 dự án đầu tư còn hiệu lực. Các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc là thành phần quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, sử dụng trên 50 vạn lao động và đóng góp trên 25% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 của Hàn Quốc sau Mỹ, Trung Quốc. Khoảng 95% các dự án đầu tư của Hàn Quốc được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa (quy mô dưới 500 người, doanh thu dưới 150 triệu USD) chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp nhẹ như ngành may mặc, sản xuất giày, dép… Quan hệ thương mại giữa hai nước trong những năm qua cũng phát triển mạnh từ mức 500 triệu USD năm 1992 lên 2,1 tỷ USD năm 2000; 278,3 tỷ USD năm 2013, con số này tính đến hết tháng 10/2014 đã tăng trên 4,5% so với cùng kỳ năm 2013. Hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 70 tỷ USD vào năm 2020, dự kiến sẽ chiếm 30% tổng kim ngạch thương mại ASEAN - Hàn Quốc (200 tỷ USD). Tuy nhiên, trong những năm qua, Hàn Quốc là một trong những đối tác mà Việt Nam có thâm hụt thương mại cao nhất (năm 2013 là 14,067 tỷ USD) do Việt Nam phải nhập khẩu thiết bị, máy móc, tư liệu sản xuất. Các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu với Hàn Quốc tính đến hết tháng 11/2014 là 13,1 nghìn doanh nghiệp, năm 2013 con số này là 10,9 nghìn doanh nghiệp.
Liên minh Hải quan (gồm Nga - Belarus - Kazacstan) là thị trường rộng lớn, mới mở cửa, có mức tăng trưởng GDP khá và tương đối ổn định. Tổng GPD của khối hiện nay đạt 2.500 tỷ USD, đối với hàng tiêu dùng, đây là thị trường không quá khó tính, nhu cầu tiêu dùng hàng nhập khẩu đang ngày càng được đa dạng hóa, nhất là trong bối cảnh phương Tây đang tăng cường trừng phạt kinh tế Nga. Dự báo, sau khi FTA Việt Nam – Liên minh Hải quan có hiệu lực, kim ngạch hai chiều của hai bên sẽ tăng bình quân 18-20%/năm, từ mức khoảng 4 tỷ USD năm 2014 lên 10-12 tỷ USD năm 2020. Lĩnh vực đầu tư, dịch vụ tài chính - ngân hàng, logistics, hợp tác về hải quan cũng được hai bên ưu tiên tự do hóa. FTA sẽ giúp cho doanh nghiệp hai bên học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời cũng tạo cơ hội cho Việt Nam tranh thủ tiếp thu công nghệ tiên tiến của Liên minh này trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh những cơ hội lớn, cũng có không ít các thách thức đang đặt ra đối với Việt Nam yêu cầu phải thay đổi để khắc phục các hạn chế, yếu kém để tận dụng thời cơ phát triển. Cụ thể:
Thứ nhất, về năng lực quản lý. Thách thức đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước cần phải hoàn thiện và bổ sung cơ chế, chính sách về phát triển các ngành công nghiệp nội địa trong khi năng lực cạnh tranh vẫn yếu kém. Thực tế, hệ thống pháp luật và năng lực quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực liên quan đến hội nhập quốc tế nói chung và tham gia các FTA nói riêng hiện còn nhiều bất cấp. Kết cấu hạ tầng yếu kém, nhất là hạ tầng phát triển kinh tế và xuất nhập khẩu. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ chuyên gia còn hạn chế, kể cả trong khâu đàm phán ký kết FTA và thực hiện các cam kết. Ngoài ra, thách thức từ việc giảm thuế nhập khẩu dẫn đến giảm thu ngân sách; Cơ cấu xuất nhập khẩu thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng, đặc biệt đối với các đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành; giữa Trung ương và địa phương chưa thực sự hiệu quả, từ đó dẫn đến những lúng túng khi đưa ra chính sách và xử lý các vấn đề phát sinh trong khi sức ép từ các ràng buộc, cam kết trong các Hiệp định FTA ngày càng tăng.
Thứ hai, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn yếu. Mặc dù được tạo điều kiện, các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, chủ đạo trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới và phát triển công nghệ. Khu vực tư nhân đã phát triển nhưng quy mô còn nhỏ và hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ; các ngành sản xuất trong nước phải đối mặt với sức cạnh tranh về giá cả, chất lượng của hàng nhập khẩu. Đặc biệt, trong nông nghiệp, Việt Nam còn thiếu sự gắn kết giữa các ngành, địa phương; quá trình triển khai chưa có sự chuẩn bị đúng mức về nội lực cho cả doanh nghiệp và nông dân. Do đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản đã gặp tình trạng giảm sút lợi nhuận, nợ tăng cao, dẫn đến phá sản hoặc chuyển hướng sang nhập khẩu. Ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa phát triển, nhập khẩu bị phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Tỷ lệ cung ứng nguyên liệu trong nước của một số ngành công nghiệp như ô tô chỉ khoảng 20-30% và dệt may là gần 50%... Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA chưa có chuyển biến mạnh, vẫn tập trung chủ yếu vào các mặt hàng nông sản, các mặt hàng công nghiệp sử dụng nhiều lao động và các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu… Đặc biệt, có một số mặt hàng như cao su, dừa, rau quả, than đá… chúng ta đã tập trung quá lớn vào thị trường Trung Quốc (chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này) mà không đa dạng hàng hóa thị trường. Tình hình trên đã dẫn đến việc phụ thuộc lớn vào một thị trường và khi đối tác giảm nhập khẩu thì chúng ta phải gánh chịu những hậu quả không nhỏ… Do vậy, dẫn đến giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam chưa cao.
Thứ ba, mặc dù đã chủ động tham gia các Hiệp định FTA nhưng Việt Nam đôi khi còn bị lôi kéo theo tình thế, thiếu nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn, chưa có chiến lược bài bản rõ ràng khi tham gia các Hiệp định FTA, đặc biệt là mức độ sẵn sàng và sự chuẩn bị chưa tốt. Có thể nói, hiện Việt Nam chưa chuẩn bị tốt các điều kiện cơ bản trong nước khi tham gia các Hiệp định FTA và chưa tận dụng tốt các ưu đãi trong các Hiệp định FTA đã ký kết để cải thiện cán cân thương mại, cán cân thanh toán vãng lai và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả, phát triển bền vững.
3. Giải pháp cho Việt Nam khi tham gia các FTA
Trong thời gian tới, việc đàm phán, tham gia một số Hiệp định FTA sẽ làm tăng thêm nhiều nghĩa vụ của Việt Nam về cải cách thể chế kinh tế (nhất là các vấn đề liên quan đến lao động và công đoàn, mua sắm Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, môi trường, chính sách cạnh tranh…). Đồng thời, để thực hiện tiếp các cam kết trong các FTA đã ký chúng ta sẽ phải tiếp tục giảm thuế, tham gia các FTA trong thế hệ mới đòi hỏi chúng ta phải cạnh tranh ở mức độ cao hơn. Do vậy, cần tập trung vào một số giải pháp như sau:
Một là, sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển, đầu tư đáp ứng, phù hợp trong bối cảnh hội nhập; Sửa đổi chính sách đầu tư nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ để phục vụ cho nhu cầu trong nước, giảm nhập khẩu đầu vào trung tâm, tăng hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu. Điều chỉnh dòng vốn FDI theo hướng thu hút có chọn lọc, chấm dứt tình trạng ưu đãi tràn lan, hạn chế dòng vốn FDI vào lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản, lĩnh vực kinh doanh bất động sản, một số lĩnh vực dịch vụ giải trí…Xây dựng và triển khai thực hiện tốt chương trình tái cấu trúc cơ cấu đầu tư, trong đó trọng tâm là đầu tư công; Chính sách ưu đãi đầu tư cần tập trung khuyến khích cao hơn cho lĩnh vực có khả năng tăng năng lực và tạo sự lan tỏa như: công nghiệp chế tạo, chế biến có sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ bảo vệ môi trường.
Hai là, hoàn thiện các chính sách thương mại cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam và không gây xung đột với các Hiệp định FTA đã hoặc sẽ tham gia. Trong đó, cần tập trung hoàn thành Chương trình thực thi hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011-2015; xây dựng tiêu chuẩn đối với hàng xuất khẩu; xây dựng lộ trình hạn chế xuất khẩu đối với các sản phẩm thô; ban hành quy định tiêu chuẩn doanh nghiệp được xuất khẩu một số mặt hàng gắn việc tạo ra liên kết lâu dài và ổn định giữa nhà xuất khẩu và nhà sản xuất chế biến…
Ba là, cần chủ động điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu và thị trường trong nước theo định hướng, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 (Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ) và các Chiến lược phát triển khác đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.