Công tác đấu tranh với tội phạm nói chung, tội phạm về ma túy nói riêng luôn được các cấp, ngành chức năng của tỉnh chú trọng triển khai và trong thực tế đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình tội phạm về ma túy vẫn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.
Thực tế cũng cho thấy, để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm về ma túy, bên cạnh hoạt động của các lực lượng chức năng thì cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và của chính người dân. Trong đó, việc nâng cao trách nhiệm trong tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy đóng một vai trò rất quan trọng.
Theo đó, tại Dự án "Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025", mục tiêu cụ thể đặt ra là phấn đấu đến năm 2025 có trên 90% đồng bào vùng DTTS và miền núi được tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức phòng, chống tội phạm về ma túy, tác hại của ma túy đối với gia đình và cộng đồng; 100% hộ gia đình là người DTTS cam kết không trồng cây có chứa chất ma túy; 100% hộ gia đình là người DTTS đăng ký xây dựng xã, phường, thôn, bản không có tệ nạn ma túy; xây dựng thí điểm và nhân rộng các mô hình tuyên truyền, vận động phòng, chống ma túy phù hợp ở vùng đồng bào DTTS, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm, nơi có nguy cơ cao về tệ nạn ma túy.
Để đạt được những mục tiêu trên, bên cạnh các giải pháp đề ra tại dự án thì cần đổi mới nội dung, hình thức đa dạng phong phú các hoạt động tuyên truyền để phù hợp với trình độ, nhận thức, tâm lý, phong tục tập quán từng thành phần dân tộc, từng đối tượng. Chú trọng tuyên truyền ở các vùng trọng điểm, vùng đặc biệt khó khăn, trình độ nhận thức của đồng bào còn hạn chế.