Nguyên tắc tôn trọng người nghiện ma túy trong quá trình giao tiếp: Trong giao tiếp, sự tôn trọng nhân cách của đối tượng giao tiếp là tôn trọng chính bản thân mình.
Các nội dung cần đảm bảo sự tôn trọng
- Tôn trọng nhân cách của nhau;
- Tôn trọng phẩm giá;
- Tôn trọng tâm tư, nguyện vọng;
- Tôn trọng quyền con người;
- Không ép buộc nhau bằng cường quyền, uy lực.
Các biểu hiện ra bên ngoài của sự tôn trọng
- Lắng nghe ý kiến của đối tượng giao tiếp;
- Có thái độ ân cần, niềm nở, thể hiện các phản ứng biểu cảm của mình một cách chân thành, trung thực;
- Qua các hành vi giao tiếp có văn hóa;
- Qua trang phục; Tôn trọng nhân cách của đối tượng giao tiếp là tôn trọng chính bản thân mình.
Nguyên tắc chấp nhận người nghiện ma túy trong quá trình giao tiếp
Khái niệm chấp nhận: Chấp nhận thân chủ (trong trường hợp này là người nghiện ma túy) trong giao tiếp là một khái niệm khá trừu tượng, nhưng có thể biến thành hành động cụ thể qua việc sử dụng các kỹ thuật.
Nguyên tắc chấp nhận đòi hỏi việc tiếp nhận thân chủ một cách không tính toán, không thành kiến và không đưa ra phán quyết nào về hành vi của bản thân. Tuy nhiên, chấp nhận không có nghĩa là tha thứ cho hành vi xã hội không thể chấp nhận, nhưng là mối quan tâm và có thiện chí với con người phía sau hành vi.
Cơ sở khoa học của nguyên tắc: Chấp nhận thân chủ Nguyên tắc chấp nhận thân chủ dựa trên nền tảng của giả định triết học là mỗi cá nhân đều có giá trị bẩm sinh, bất kể địa vị xã hội hay hành vi của bản thân. Thân chủ được chú ý và nhìn nhận là một con người, dù người đó có thể phạm tội, sử dụng ma túy,…
Mỗi con người, dù là bình thường hay bất bình thường, họ đều có nhân phẩm, có giá trị riêng và có quyền được tôn trọng, bình đẳng. Chính vì vậy, trong các hoạt động hỗ trợ người nghiện ma túy, chúng ta cần có thái độ tôn trọng phẩm giá của họ và chấp nhận họ. Việc chấp nhận những hành vi, quan điểm hay giá trị của thân chủ không có nghĩa là đồng tình với những hành vi, suy nghĩ của họ. Việc tôn trọng hay chấp nhận ở đây chỉ là ghi nhận sự tồn tại và không phán xét những hành vi hay suy nghĩ của họ.
Ý nghĩa của nguyên tắc: Chấp nhận thân chủ Chấp nhận thân chủ với tất cả những phẩm chất tốt hoặc xấu, điểm mạnh hay điểm yếu, không xem xét đến hành vi của anh ta là một nguyên tắc quan trọng cần đảm bảo trong giao tiếp với người nghiện ma túy. Thái độ này có ý nghĩa rất gần với câu dạy của hầu hết các tôn giáo “Yêu người phạm lỗi, ghét hành vi phạm tội”. Nguyên tắc này diễn đạt thái độ thân thiện đối với thân chủ bằng một sự rộng lượng và mong muốn giúp đỡ.
Thực hiện nguyên tắc này giúp cho chúng ta tạo được lòng tin từ thân chủ, qua đó thúc đẩy sự hợp tác và chia sẻ của họ. Đó là nền tảng cho thiết lập mối quan hệ tương tác trong quá trình giúp đỡ.
Nguyên tắc kiên nhẫn trong quá trình giao tiếp với người nghiện ma túy: Khi các bên chưa thống nhất được với nhau thì chỉ thông cảm thôi chưa đủ, phải chờ đợi nhau. Mỗi bên cần chờ đợi cho bên kia suy nghĩ chín muồi, cân nhắc kỹ càng. Ngoài ra, không nên quyết định trong lúc nóng nảy, cần chờ đợi cho nguôi ngoai. Phải đưa ra quyết định trong lúc thật sự tỉnh táo.
Biết cách lắng nghe là một kĩ năng quan trọng. Mary Harris, một chuyên gia về nghi lễ và nguyên tắc hợp tác nhận định: “Đây là điều hiển nhiên nhưng vì thường nôn nóng muốn thể hiện sự hiểu biết của mình nên chúng ta chỉ thích nói mà không lắng nghe.” Do đó, hãy học cách lắng nghe. Dale Carnegie, giải thích: “Kiên nhẫn lắng nghe và khi hiểu những điều người khác đang nói với bạn và điều họ mong muốn ở bạn chứ không phải chỉ luôn luôn tập trung vào công việc của mình, bạn sẽ đạt được sự tôn trọng”.
Điều này lại đặc biệt quan trọng khi chúng ta làm việc với người sử dụng ma túy. Họ là những người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội. Vị thế của họ thường được xã hội và chính bản thân họ đánh giá không cao. Vì vậy, việc kiên nhẫn lắng nghe họ nói là một yếu tố vô cùng quan trọng khi làm việc với họ, nó thể hiện sự tôn trọng, sự đồng cảm và sự đồng hành của ta với họ.
Nguyên tắc thiện chí giúp đỡ trong quá trình giao tiếp với người nghiện ma túy
- Thiện ý trong giao tiếp là thể hiện đạo đức của người tham gia giao tiếp;
- Thể hiện “cái tâm”, lòng thiện, tính thiện, sự nhân hậu của chủ thể;
- Tin tưởng đối tượng giao tiếp;
- Dành tình cảm tốt đẹp và đem lại niềm vui cho đối tượng giao tiếp;
- Công bằng trong nhận xét, đánh giá, đồng thời đánh giá mang tính động viên, khuyến khích.
Nguyên tắc đồng cảm trong quá trình giao tiếp với người nghiện ma túy
- Biết đặt vị trí của mình vào vị trí của đối tượng giao tiếp;
- Chia sẻ cảm xúc với đối tượng trong giao tiếp;
- Đồng cảm trong giao tiếp tạo ra sự gần gũi, thân mật, tạo cảm giác an toàn khi tiếp xúc;
- Đồng cảm là cơ sở hình thành mọi hành vi ứng xử nhân hậu, độ lượng, khoan dung;
- Đồng cảm giúp con người hiểu biết lẫn nhau và từ đó có ảnh hưởng, tác động qua lại và rung cảm lẫn nhau;
- Ngược lại với sự đồng cảm là cách giải quyết cứng nhắc, duy ý chí.