Bước 1: Tiếp cận, tạo lập mối quan hệ với gia đình
- Tư vấn viên giới thiệu về bản thân;
- Giúp các thành viên tự giới thiệu về mình;
- Hỏi thăm những công việc của từng thành viên;
- Nêu rõ mục đích của cuộc tư vấn;
- Sử dụng các kỹ năng giao tiếp để tương tác với các thành viên trong gia đình cho phù hợp;
- Thống nhất với các thành viên trong gia đình những quy định trong các buổi tư vấn, đặc biệt là về bảo mật thông tin;
- Tạo được cảm giác an toàn cho các thành viên trong gia đình;
- Thiết lập mối quan hệ với từng cá nhân, tạo dựng mối liên hệ liên minh của gia đình;
- Khích lệ các thành viên trong gia đình trình bày quan điểm của mình trong buổi tư vấn;
- Xác định nhu cầu, mong muốn của gia đình;
- Cần nhấn mạnh ưu thế của từng thành viên trong gia đình trong việc hỗ trợ người nghiện ma túy tham gia điều trị nghiện…
Bước 2: Thu thập thông tin, xác định vấn đề của gia đình
Nghiện ma tuý gây ảnh hưởng xấu tới nhiều mặt trong cuộc sống gia đình.
Trước khi tư vấn, tư vấn viên cần trang bị một sự hiểu biết toàn diện về ảnh hưởng của ma tuý đối với gia đình nói chung, với từng thành viên trong gia đình (cha, mẹ, vợ, con…) và với cộng đồng, xã hội.
Tại buổi tư vấn gia đình, tư vấn viên cần:
- Khai thác những thông tin ban đầu về tiểu sử gia đình;
- Khuyến khích các thành viên trong gia đình có sự quan tâm đến việc hỗ trợ điều trị nghiện;
- Tăng cường khả năng giao tiếp giữa các thành viên với người nghiện và với nhau;
- Tạo cơ hội cho các thành viên đối thoại, chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn, trách nhiệm của bản thân trong hỗ trợ người thân điều trị nghiện;
- Tư vấn viên cần nhận biết các vấn đề gia đình đang phải đối mặt do tình trạng nghiện gây ra.
Bước 3: Giúp gia đình tăng cường kiến thức về nghiện ma túy và điều trị
Những hiểu biết về ma tuý của các thành viên trong gia đình rất khác so với người nghiện cũng là điều dễ hiểu, vì thế mà những điểm khác biệt này cần được đưa ra thảo luận trong các buổi tư vấn gia đình.
Các thành viên trong gia đình thường mong muốn người nghiện ma tuý phải tự cai nghiện thế nhưng họ cũng nên biết rằng vấn đề mà người mắc nghiện ma tuý cũng giống như một căn bệnh nào đó mà không tự mình chữa trị được (không thể tự kiềm chế được).
Để thực hiện việc này tư vấn viên cần:
a) Cùng các thành viên trong gia đình so sánh việc nghiện ma tuý với một số căn bệnh khác, ví dụ:
- Bất cứ một căn bệnh nào cũng đều có ảnh hưởng tới các chức năng bình thường của cơ thể như ăn không ngon, ngủ không yên cũng như ảnh hưởng tới khả năng làm việc;
- Nghiện ma tuý cũng có thể được chữa trị như bất kì một căn bệnh nào khác. Tuy nhiên nó không thể chữa khỏi hẳn giống như bệnh tả hay sốt rét. Mà nó là căn bệnh mãn tính của não bộ nên cần sự chăm sóc và cẩn trọng suốt đời, tương tự như với bệnh đái tháo đường;
- Càng sớm phát hiện và điều trị thì càng dễ kiểm soát giống như một số bệnh mãn tính khác;
- Để người nghiện trao đổi về những vấn đề mà họ gặp phải ngay từ lần đầu sử dụng ma tuý và diễn biến sau đó...
b) Tập trung vào các chủ đề sau trong các buổi tư vấn gia đình
- Kiến thức, hiểu biết về việc phụ thuộc vào ma tuý của những người mắc nghiện;
- Phản ứng của các thành viên trong gia đình đối với người nghiện;
- Những thay đổi có thể được tạo ra bởi các thành viên trong gia đình;
- Những ảnh hưởng của việc nghiện ma tuý đối với đời sống của người nghiện và gia đình (cả về kinh tế, xã hội, sức khỏe, độ bền vững của gia đình…);
- Những sự hỗ trợ của xã hội, của gia đình, bạn bè, hay của các tổ chức, nhóm xã hội khác, chẳng hạn như: Nhà thờ hay các nhóm tự quản…
c) Giúp người nghiện và các thành viên trong gia đình họ nhận thức được những vấn đề liên quan đến điều trị nghiện, như: Thèm thuốc, phản ứng khó chịu khi không dùng ma túy nữa, những suy nghĩ tiêu cực, luôn đối diện với những trạng thái căng thẳng, chịu đựng những đau đớn về thể xác, các vấn đề về gia đình và những vấn đề khác có liên quan để họ chia sẻ, thông cảm và hỗ trợ người nghiện tham gia điều trị nghiện có kết quả.
Bước 4: Giúp gia đình xây dựng kế hoạch hỗ trợ người nghiện tuân thủ điều trị nghiện và dự phòng tái nghiện
Tư vấn viên giúp các thành viên trong gia đình xây dựng kế hoạch hỗ trợ người nghiện ma túy tuân thủ điều trị nghiện và dự phòng tái nghiện, bao gồm cả việc giúp người nghiện ứng phó với các tình huống nguy cơ đối với họ (xem thêm mục xây dựng kế hoạch…trong các bài trước), như:
- Ứng phó với áp lực từ nhóm bạn nghiện;
- Giải quyết vấn đề liên quan tới cảm giác thèm thuốc;
- Giải quyết những tình huống bị căng thẳng (stress);
- Kỹ năng quản lý tài chính…
Bước 5: Kết thúc buổi tư vấn
Trước khi kết thúc buổi tư vấn gia đình, tư vấn viên cần kiểm tra xem các thành viên trong gia đình còn điều gì muốn nói trao đổi nữa không. Vì có thể, một số vấn đề quan trọng nào đó chưa được thảo luận hoặc có thể thành viên nào đó trong gia đình còn chưa hiểu rõ ràng gây ra sự băn khoăn.
Đôi khi, tư vấn viên còn cần thảo luận với các thành viên trong gia đình để họ tự xác định nhiệm vụ của mình trong hỗ trợ người nghiện.
Tư vấn viên cần sử dụng kỹ năng tóm lược để tổng kết lại các vấn đề mà gia đình đã thảo luận trong suốt buổi tư vấn. Việc này giúp các thành viên hồi tưởng lại toàn bộ nội dung buổi họp và ghi nhớ các điểm quan trọng.
Tư vấn viên có thể hẹn gia đình buổi tư vấn tiếp theo và nếu các thành viên trong gia đình có nhu cầu thì tư vấn viên luôn sẵn sàng gặp để trao đổi thêm với họ./.