Một trong những nhiệm vụ và giải pháp được đặt ra tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 Chính phủ ban hành phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, là “Hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý”. Cụ thể:
- Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, hình thành khung khổ pháp lý, thể chế nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho văn hóa phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững.
- Tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về: Điện ảnh, Tài trợ, Hiến tặng trong lĩnh vực văn hóa, Di sản văn hóa, Sở hữu trí tuệ, Phòng, chống bạo lực gia đình, Quảng cáo... Hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng yêu cầu bảo hộ và thực thi quyền trong nước và hội nhập quốc tế; hoàn thiện các khung khổ pháp lý thúc đẩy phát triển văn hóa và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
- Rà soát, ban hành chính sách, cơ chế khuyến khích, đãi ngộ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân và những tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nhằm phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn hoá, nghệ thuật, truyền dạy di sản trong cộng đồng, đồng thời phát triển sâu rộng hoạt động văn hoá, nghệ thuật quần chúng.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, chấn chỉnh lề lối, siết chặt kỷ cương, đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ quản lý văn hóa hiệu quả; phân cấp cụ thể trách nhiệm quản lý về văn hóa cho các địa phương.
- Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững, làm cơ sở để đánh giá và đề xuất thể chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý cho ngành văn hóa.