Theo Quyết định số 633/QĐ-BGDĐT về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trong ngành Giáo dục đến năm 2025.
Để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, Chương trình xác định các nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Ngành Giáo dục các cấp xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình PCMT đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021.
- Xây dựng tài liệu hướng dẫn tăng cường giảng dạy trong chương trình chính khóa và tổ chức lồng ghép tuyên truyền, phổ biến giáo dục thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa các nội dung về phòng ngừa ma túy cho HSSV của các cấp học phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
- Tổ chức tập huấn trang bị kiến thức và kỹ năng PCMT cho đội ngũ nhà giáo ở các cơ sở giáo dục có năng lực chỉ đạo, tổ chức thực hiện giảng dạy, tích hợp vào chương trình chính khóa, lồng ghép tuyên truyền, giáo dục trong các hoạt động giáo dục của nhà trường; có đủ năng lực tư vấn giải quyết các vướng mắc liên quan đến vấn đề phòng chống ma tuý cho HSSV khi cần.
- Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống tệ nạn ma túy; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác PCMT; thực hiện tốt công tác biểu dương, khen thưởng nhằm động viên kịp thời những điển hình tiêu biểu trong công tác PCMT trong trường học.
Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác quản lý HSSV, không để học sinh, sinh viên tham gia các tệ nạn ma túy và các phạm pháp luật; thiết lập các kênh tố giác qua môi trường mạng, mạng xã hội.
- Phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương xây dựng, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự khu vực trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; kịp thời nắm bắt thông tin, phát hiện sớm để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm pháp luật, tội phạm trong HSSV liên quan đến tệ nạn ma túy.
- Phát động phong trào các nhà trường tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy; đề cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học. Thường xuyên cập nhật, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến thông tin cho các thành viên trong cơ sở giáo dục về nguy cơ, tác hại, hậu quả của tệ nạn ma túy; đặc biệt là phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm.
- Tổ chức kiểm tra đôn đốc triển khai thực hiện tại các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn phức tạp về PCMT; tổ chức sơ kết công tác phòng, chống tệ nạn ma túy theo từng năm đến năm 2024 và tổng kết năm 2025; rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống trong tình hình mới.
- Quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực triển khai công tác PCMT theo khả năng, điều kiện của ngành, địa phương, cơ sở giáo dục trong từng năm, đến năm 2025; tăng cường đầu tư, hỗ trợ trang bị thiết bị để tuyên truyền, giáo dục PCMT cho HSSV đối với các nhà trường ở vùng kinh tế khó khăn.
- Cụ thể hóa chủ trương “Xã hội hóa” của Chính phủ về công tác PCMT nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác này, giảm các chi phí cho công tác PCMT từ ngân sách quốc gia.
Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy tích hợp vào chương trình giảng dạy chính khóa và lồng ghép trong các hoạt động giáo dục cho học sinh theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các Đại học, Học viện, Trường Đại học, Cao đẳng sư phạm đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy tích hợp lồng ghép vào “Tuần sinh hoạt công dân học sinh, sinh viên” đầu năm học, khóa học theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.