Theo quan niệm của y học cổ truyền thì người nghiện ma tuý là người bị mất cân bằng về âm dương bởi trong con người luôn tồn tại bốn yếu tố đặc trưng đó là Thuỷ, Hoả, Khí, Huyết. Khi sử dụng ma tuý ở những lần đầu tiên người sử dụng sẽ không cảm nhận được khoái cảm mà thường có những biểu hiện khó chịu như chóng mặt, buồn nôn. Vì thế, nếu tiếp tục sử dụng sẽ giúp cho cơ thể thích nghi dần dần, do đó người sử dụng sẽ cảm thấy dễ chịu, thoải mái.
Y học hiện đại lại cho rằng nghiện ma tuý là một loại bệnh tồn tại ở não con người, dưới tác dụng của các chất gây nghiện nó làm cho các tế bào thần kinh não bị tổn thương và làm thay đổi chức năng của não.
Nghiện ma tuý cũng được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Theo nghĩa rộng, có quan điểm cho rằng nghiện ma tuý là tình trạng một bộ phận trong xã hội gồm những người có thói quen dùng các chất ma tuý. Nếu hiểu theo nghĩa hẹp thì nghiện ma tuý là sự lệ thuộc của con người cụ thể đối với các chất ma tuý. Sự lệ thuộc đó sẽ tác động lên hệ thần kinh trung ương tạo nên những phản xạ có điều kiện khó có thể quên hoặc từ bỏ được gây nên tâm trạng thèm muốn khiến người sử dụng có những hành động mù quáng, mất hết lý trí gây nguy hiểm cho xã hội.
Theo luật "Phòng, chống ma tuý" được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X thông qua ngày 9/12/2000 thì người nghiện ma tuý là người sử dụng chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào chất này.
Một số đặc trưng cơ bản của người nghiện ma tuý là:
Thứ nhất, có sự ham muốn không kìm chế được và phải sử dụng nó bằng bất kỳ giá nào.
Thứ hai, có khuynh hướng tăng dần liều dùng vì chất gây nghiện chỉ có tác dụng khi liều dùng lần sau phải cao hơn so với lần trước.
Thứ ba, có trạng thái lệ thuộc đối với chất ma tuý về mặt tâm, sinh lý.
Thứ tư, khi thiếu chất ma tuý trong cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như uể oải, hạ huyết áp, lên cơn co giật, đau đớn...đặc biệt người nghiện có thể làm bất cứ điều gì để có ma tuý nhằm thoả mãn cơn nghiện đang hành hạ.