Mục tiêu chung mà nghề CTXH hướng đến đó là: Phát hiện những mối quan tâm của con người (ví dụ như việc làm, thu nhập, tâm lý, tình cảm...); Xác định các nhu cầu của con người (ví dụ nhu cầu về ăn, ở, mặc hoặc an toàn, vui chơi, giải trí...); Xác định các nguồn lực bên trong và bên ngoài của con người (Nguồn lực bên trong: sức khoẻ, mong muốn vượt qua hoàn cảnh khó khăn, trí tuệ, kỹ năng hoặc những tiềm năng khác; nguồn lực bên ngoài: sự hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức, đất đai...). Trên cơ sở đó, những người làm nghề CTXH xây dựng kế hoạch và mục tiêu cụ thể để dáp ứng các nhu cầu đó. Nghề CTXH có 4 chức năng chức cơ bản là: chữa trị, phòng ngừa, phục hồi, phát triển.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg, ngày 23/3/2010 Phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 (gọi tắt là Đề án 32). Việc Đề án 32 được phê duyệt đã chính thức công nhận một ngành nghề mới ở Việt Nam - nghề Công tác xã hội. Mục tiêu là Đề án 32 là Phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.
Để thực hiện được tốt việc chăm sóc, hỗ trợ những nhóm đối tượng xã hội trên thì một trong những giải pháp hữu hiệu là phát triển nghề CTXH và tăng cường mở rộng mạng lưới các cơ sở CTXH. Tuy nhiên, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội hiện đang rất thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, trợ giúp cho đối tượng; cơ sở vật chất của nhiều cơ sở trợ giúp được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp; dụng cụ y tế, trang thiết bị cần thiết để phục hồi chức năng còn rất thiếu. Hầu hết các cơ sở trợ giúp xã hội có chức năng chủ yếu là nuôi dưỡng tập trung các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu các dịch vụ phát hiện sớm, can thiệp sớm, trị liệu, chăm sóc, trợ giúp và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng. Các cơ sở chăm sóc chuyên biệt người cao tuổi, cơ sở phục hồi chức năng cho người khuyết tật còn thiếu ở các địa phương; các cơ sở trợ giúp xã hội hoạt động thiếu sự liên kết, kết nối đa ngành. Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, viên chức và nhân viên công tác xã hội làm việc tại các cơ sở còn nhiều hạn chế, phần lớn các cán bộ nhân viên này chưa qua đào tạo hoặc được đào tạo từ nhiều nghề khác nhau, làm việc không đúng ngành, nghề đào tạo. Vì vậy, năng lực chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở không cao, thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hiện nay và hội nhập quốc tế.
Từ những thực tế trên đòi hỏi cần có nhiều hơn nữa sự chung tay, chung sức của cả cộng đồng đối với sự nghiệp phát triển nghề CTXH, trong đó một yếu tố quan trọng là bên cạnh sự quan tâm của cả hệ thống chính trị thì cũng cần phải nâng cao hơn nữa hiểu biết và nhận thức của toàn xã hội đối với nghề CTXH. Phải coi kết quả CTXH như là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá kết quả công tác an sinh xã hội. Không chỉ các đối tượng yếu thế trong xã hội mới cần trợ giúp xã hội, mà chính những người làm nghề CTXH cũng đã cần được trợ giúp, đó chính là trợ giúp về khung pháp lý để nghề CTXH hoàn thiện và phát triển vững chắc; trợ giúp nâng cao mức thu nhập cho những người làm nghề CTXH để họ yên tâm làm việc, cống hiến; trợ giúp nâng cao điều kiện làm việc và cơ sở vật chất cho các cơ sở CTXH để hệ thống các cơ sở này phát triển cả về bề rộng và chiều sâu.