Công ước CERD ra đời từ năm 1965, Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) là Công ước lên án nạn phân biệt chủng tộc và xác lập nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết và không trì hoãn các chính sách nhằm loại trừ các hình thức phân biệt dựa trên chủng tộc, màu da, dòng dõi, dân tộc hoặc gốc người thiểu số.
Nội dung chính của Công ước: Các quốc gia thành viên cam kết sẽ cấm và xoá bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức và đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hay sắc tộc, đặc biệt trong việc thụ hưởng các quyền cơ bản của con người gồm các quyền dân sự - chính trị và các quyền kinh tế - xã hội - văn hoá.
Các nguyên tắc, quy định chính
- Lên án nạn phân biệt chủng tộc và cam kết sẽ theo đuổi những biện pháp cần thiết nhằm loại trừ nạn phân biệt chủng tộc dưới bất cứ hình thức nào và khuyến khích sự hiểu biết giữa những chủng tộc.
- Có những biện pháp đặc biệt và đúng đắn trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá,... để đảm bảo sự phát triển phù hợp và bảo vệ các nhóm chủng tộc nhằm đảm bảo cho họ được hưởng các quyền con người và quyền tự do cơ bản.
- Lên án mọi sự tuyên truyền và tổ chức dựa trên ý tưởng học thuyết về trính trội hơn của một chủng tộc hoặc một nhóm người hay nguồn gốc; học thuyết khuyến khích sự hận thù chủng tộc, sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào.
- Đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của mỗi người không phân biệt chủng tộc, màu da, dân tộc hay nguồn gốc dân tộc.
- Bảo vệ mọi công dân chống lại bất kỳ hành động phân biệt đối xử, vi phạm quyền con người và các quyền tự do cơ bản; Đảm bảo được mưu cầu xét xử công bằng và được đền bù xứng đáng những thiệt hại do nạn phân biệt chủng tộc gây ra.
- Thông qua các biện pháp như tuyên truyền, giáo dục nhằm chống lại các định kiến có thể dẫn tới phân biệt chủng tộc.
Việt Nam đã tham gia Công ước CERD từ năm 1982 và đã bốn lần bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực thi Công ước CERD vào các năm 1983, 1993, 2000 và 2012. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tuyên truyền về những thành tựu bảo vệ nhân quyền của ta nói chung và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với người dân tộc thiểu số (DTTS) và người nước ngoài (NNN) ở Việt Nam, góp phần bác bỏ các luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với Việt Nam, cũng như tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế.