Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam đã khẳng định mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững”. Nghị quyết sổ 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp, tạo việc làm cho người lao động; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh, đủ sức tồn tại trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, các nội dung phát triển bền vững như: giải quyết hài hòa mối quan hệ phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; theo dõi, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm phát thải khí nhà kính, kinh tế các-bon thấp.
Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân. Bên cạnh đó, các vấn đề sản xuất và tiêu dùng bền vững đã được triển khai thực hiện thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững từng bước thay đổi tích cực, đặc biệt có sự thay đổi mạnh mẽ từ đơn vị sản xuất, phân phối và người tiêu dùng. Người dân đã từng bước thay đổi thói quen mua sắm trực tiếp bằng các kênh tiêu dùng xanh và ưu tiên sản phẩm cho bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng tái tạo. Với lực lượng đông đảo, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững, cải thiện và nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Các chương trình nghiên cứu cơ bản tiếp tục hỗ trợ các tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao. Việt Nam luôn nỗ lực để ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu (BĐKH) và thiên tai thông qua kiện toàn các luật và chiến lược, các chính sách có liên quan; triển khai thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và thúc đẩy các bộ, ngành ở trung ương và địa phương tham gia tích cực vào thực hiện hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH. Cho đến nay, 87,3% tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH. Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu đến năm 2030 có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; Tỷ lệ hộ tiếp cận điện có xu hướng tăng và đạt 99,5% vào năm 2022 với khoảng cách giữa thành thị - nông thôn được thu hẹp đáng kể, từ mức chênh lệch 1,3% xuống chỉ còn 0,1% trong giai đoạn 2018 - 2022. Các vấn đề về BĐKH đã được thể chế hóa và lồng ghép vào các chiến lược, chính sách và kế hoạch phát triển qua các thời kỳ, bao gồm: Luật Bảo vệ môi trường và các Luật khác, Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách, quy hoạch, kế hoạch, trên các ngành, lĩnh vực.
Trong bối cảnh chịu nhiều tác động về kinh tế - xã hội do đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn không ngừng mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, quan hệ đối tác chiến lược với các nền kinh tế lớn trên thế giới, thúc đẩy thực hiện các Hiệp định thương mại đã ký kết; duy trì tăng trưởng xuất khẩu cao, đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu, đồng thời tạo ra những động lực đổi mới trong nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của nhân dân.