Đăng Nhập Hi88: Trang Chủ

Việt Nam dự khóa họp lần thứ 111 của Ủy ban Công ước CERD

Thứ hai - 18/12/2023 22:51 421
      Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc chung sống trong đó 53 dân tộc thiểu số với số dân hơn 14,119 triệu người chiếm tỷ lệ 14,7% tổng dân số cả nước. Ở Việt Nam, chỉ có các khái niệm phổ biến là “dân tộc thiểu số”, “dân tộc thiểu số rất ít người” được sử dụng để chỉ dân tộc chiếm số ít về dân số so với dân tộc đa số. Tiếng Việt được chọn là ngôn ngữ chung cho cả nước, ngoài ra có khoảng 30 dân tộc có chữ viết riêng như Thái, Chăm, Mông, Khmer,... Cộng đồng các dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển cùng với tiến trình lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tạo nên một quốc gia thống nhất. Các dân tộc thiểu số Việt Nam cư trú thành cộng đồng đan xen trên cả nước, không có dân tộc nào tách riêng theo vùng lãnh thổ. Yếu tố đó nói lên sự hòa hợp của các dân tộc đã có từ lâu đời và đã trở thành đặc điểm lịch sử, văn hóa của cộng đồng, là điều kiện thuận lợi để các dân tộc hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển.
      Quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Hiến pháp hiện hành của Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013 và có hiệu lực từ ngày 01/4/2014 đã ghi nhận quyền con người thay vì chỉ ghi nhận quyền công dân, dành riêng Chương II với 36 điều quy định trực tiếp và rõ ràng về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, bao gồm quyền của người dân tộc thiểu số và người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Hiến pháp 2013 khẳng định “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”. Nguyên tắc không phân biệt đối xử và bình đẳng giữa tất cả các thành viên trong cộng đồng là cốt lõi của hệ thống hiến pháp của chúng tôi và cũng được thực hiện thông qua các cải cách lập pháp có liên quan. Nguyên tắc trên được quán triệt trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam. Bình đẳng giữa các dân tộc là một nguyên tắc cơ bản của chính sách đảm bảo quyền cho các dân tộc thiểu số. Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật.
      Do phần lớn các dân tộc thiểu số Việt Nam cư trú ở các vùng miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nên đồng thời với việc xác định quyền bình đẳng trước pháp luật, nhà nước Việt Nam còn khẳng định ưu tiên hỗ trợ và tăng cường đoàn kết giúp đỡ tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực vươn lên hội nhập với sự phát triển chung được thể hiện tại Điều 5 Khoản 4 của Hiến pháp “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Đây là nguyên tắc và là biểu hiện đặc trưng cơ bản trong chính sách dân tộc của Việt Nam và phù hợp với Khoản 4 Điều 1 Công ước CERD.
      Các nguyên tắc và quy định về bình đẳng giữa các dân tộc được thể chế hóa trong pháp luật. Pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về cấm phân biệt đối xử tại Hiến pháp năm 2013 (Điều 16, 26, 35) và nhiều văn bản pháp luật.
      Bình đẳng giữa các dân tộc là nguyên tắc cơ bản có ý nghĩa hàng đầu của chính sách về quyền của các DTTS. Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều ngang nhau về quyền lợi và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. quyền bình đẳng về chính trị, chống mọi biểu hiện chia rẽ kỳ thị dân tộc, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, tự ty dân tộc... Mọi cá nhân có năng lực pháp luật dân sự ngang nhau, được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền chính trị, nhân thân và tài sản. Quyền bình đẳng về kinh tế, đảm bảo sự bình đẳng trong quan hệ lợi ích giữa các dân tộc. Nhà nước có trách nhiệm giúp các dân tộc có kinh tế chậm phát triển để cùng đạt được trình độ phát triển chung với các dân tộc khác trong cả nước. Bình đẳng về văn hóa, xã hội, bảo đảm cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, làm phong phú, đa dạng nền văn hóa Việt Nam. Việc bảo đảm quyền bình đẳng toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và dân sự cho tất cả các dân tộc chính là thể hiện việc tự quyết của các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam.
      Từ năm 2013 đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được xây dựng và hoàn thiện tương đối đồng bộ, đáp ứng về cơ bản quyền con người trong đó có việc bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong mười năm qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành 125 luật trong đó có 352 điều khoản luật trực tiếp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các dân tộc thiểu số.
     Việt Nam khẳng định lập trường kiên quyết phản đối và chống chia rẽ, kích động hận thù giữa các dân tộc, chủng tộc. Những hành vi phân biệt chủng tộc hoặc hỗ trợ các hoạt động gây chia rẽ, kỳ thị và phân biệt chủng tộc đều bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm, trừng trị nghiêm khắc.
      Trên bình diện quốc tế, Việt Nam tích cực tham gia các diễn đàn, hội nghị về quyền con người, chống phân biệt chủng tộc. Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam cam kết tuân thủ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều này được thể hiện rõ tại Hiến pháp, Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Trong công tác xây dựng pháp luật, việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam đảm nhiệm cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025.
      Kể từ lần rà soát trước, Việt Nam đã phê chuẩn thêm 02 Công ước về quyền con người: Công ước về Quyền của Người khuyết tật và Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Như vậy, hiện nay Việt Nam đã tham gia 7/9 CƯQT của LHQ về quyền con người.
       Việc soạn thảo các báo cáo quốc gia có sự tham gia, đóng góp ý kiến của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các mạng lưới hoạt động trong các lĩnh vực bình đẳng giới, quyền trẻ em, quyền của người khuyết tật và quyền con người nói chung, các chuyên gia trong nước, quốc tế và người dân và đăng công khai trên mạng internet.
      Việt Nam tham gia tích cực các phiên đối thoại với các Ủy ban Công ước và nghiêm túc xem xét các khuyến nghị, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai tăng cường thực thi các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
      Để bảo đảm quyền cho người lao động, kể từ khi là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 1992, Việt Nam đã gia nhập 25 công ước của ILO, bao gồm 7/8 công ước cơ bản, trong đó có liên quan đến các lĩnh vực thương lượng tập thể, phòng chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức.
      Ở cấp độ khu vực, Việt Nam tham gia nhiều Công ước quốc tế khác có nội dung liên quan đến việc ghi nhận, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
      Ở cấp độ song phương, Việt Nam hiện có cơ chế Đối thoại nhân quyền chính thức với ba nước/đối tác, bao gồm Mỹ, EU và Australia. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều kênh trao đổi không chính thức về các vấn đề quyền con người, tham gia nhiều diễn đàn liên quan đến các khía cạnh khác nhau của quyền con người. Nhìn chung, trong các hoạt động hợp tác song phương cũng như tại các diễn đàn đa phương về quyền con người, Việt Nam luôn tích cực, chủ động và có những đóng góp thiết thực nhằm thúc đẩy nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên tinh thần đối thoại, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
      Việc soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đều phải tham khảo ý kiến của đối tượng bị tác động. Đối với chính sách pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa nơi có nhiều đồng bào dân tộc cư trú đều phải lấy ý kiến trực tiếp của họ hoặc thông qua ý kiến của tổ chức chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, vai trò phản biện xã hội của các cơ quan báo chí, truyền thông và các đoàn thể nhân dân, mở rộng đối thoại với các tổ chức xã hội trong giám sát việc bảo đảm và thúc đẩy quyền cho đồng bào DTTS luôn được khuyến khích và tăng cường.
      Trong giai đoạn báo cáo quốc gia (2013-2019), các quyền dân sự chính trị của người DTTS được đảm bảo và thúc đẩy. Việt Nam đã đạt được các tiến bộ quan trọng trong thúc đẩy quyền cho người DTTS đặc biệt là với các quyền như quyền tham gia các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội, người DTTS được tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo những quy định cụ thể, rõ ràng, nhất là hành lang “quy chế dân chủ”. Nhiều nội dung, quy định luật, văn bản chính sách đều quy định rõ việc tham gia của người dân, bao gồm người DTTS, vào hoạt động quản lý kinh tế - xã hội ở cơ sở trên nguyên tắc “dân biết – dân bàn – dân làm – dân kiểm tra – dân giám sát – dân thụ hưởng”.
      Người DTTS Việt Nam được tạo điều kiện đảm bảo bình đẳng các quyền con người của mình như quyền bình đẳng trong hôn nhân và gia đình, quyền được bảo vệ bởi cơ quan tài phán độc lập, quyền có quốc tịch, quyền tự do đi lại trong lãnh thổ quốc gia, quyền xuất, nhập cảnh, quyền tự do ngôn luận báo chí, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo,… Các quyền dân sự chính trị này của người DTTS được Nhà nước bảo đảm bình đẳng như mọi công dân của nước CHXHCN Việt Nam.
Việt Nam đã đưa ra các chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, Mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào DTTS đến năm 2030. Để đảm bảo quyền phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, Việt Nam đã ban hành rất nhiều chương trình, chính sách triển khai thực hiện ở vùng DTTS&MN và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ:
      Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam đã luôn chứng tỏ với cộng đồng quốc tế là một dân tộc có truyền thống lịch sử lâu đời về tinh thần đoàn kết, bình đẳng, tương trợ lẫn nhau. Ngày nay, các nguyên tắc và quy định về bình đẳng và không phân biệt chủng tộc liên quan đến thành phần dân tộc không những được ghi trong Hiến pháp mà còn được cụ thể hóa trong các luật và văn bản dưới luật khác có liên quan và được triển khai thực hiện trong thực tiễn thông qua nhiều chính sách, chương trình quốc gia nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm DTTS có điều kiện phát triển bình đẳng trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Cụ thể như, DTTS được hưởng các chính sách ưu đãi về giáo dục, y tế, đào tạo nghề,việc làm, đất đai, nhà ở, tín dụng, hỗ trợ sản xuất... Ngoài ra, còn được hưởng các dự án đầu tư trực tiếp như xây dựng điểm tái định cư tập trung do nhà nước đầu tư toàn bộ hạ tầng và đảm bảo được các quyền đối xử bình đẳng trước Tòa án, quyền an ninh cá nhân, chính trị về bầu cử, ứng cử, quốc tịch, tự do đi lại, cư trú, kết hôn và lập gia đình, sở hữu tài sản, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí. Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở cả bình diện quốc tế và quốc gia.
      Mục tiêu của Nhà nước Việt Nam là củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình cùng nhau xây dựng một quốc gia độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do và giàu mạnh. Việc pháp luật Việt Nam khẳng định và chống mọi hành vi xâm phạm quyền bình đẳng dân tộc, gây thù hằn, kỳ thị, chia rẽ dân tộc và thực hiện các biện pháp hỗ trợ, ưu đãi cho DTTS là hoàn toàn phù hợp với định nghĩa về chống phân biệt chủng tộc tại điểm 4, Điều 1 Công ước CERD. Ở Việt Nam, do quá trình lịch sử đã tạo ra sự cư trú đan xen với mật độ cao nên không dân tộc nào có lãnh thổ riêng. Bên cạnh đó, nguyên tắc không phân biệt dân tộc bao hàm cả nội dung không phân biệt chủng tộc; sự khác biệt về văn hóa, trình độ phát triển. Chính sách dân tộc của Việt Nam hướng tới mục tiêu thu hẹp, xóa bỏ sự chênh lệch về phát triển giữa các nhóm dân tộc và các vùng bằng việc khẳng định quyền bình đẳng và thực hiện các chính sách ưu đãi đối với những dân tộc, những vùng khó khăn để các dân tộc đó, các vùng đó phát triển, có điều kiện hưởng thụ các quyền con người một cách bình đẳng.
      Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh chính sách đại đoàn kết dân tộc (Điều 9), khẳng định chính sách ưu tiên phát triển giáo dục cho đồng bào DTTS (Điều 61). Hiến pháp cũng ghi nhận nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các hành vi kích động gây mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo... bị nghiêm cấm và bị trừng trị theo quy định của pháp luật.
Hiến pháp 2013 cũng khẳng định: không chỉ công dân Việt Nam mà tất cả mọi người, bao gồm cả người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam đều được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo đảm quyền con người như quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo hộ như công dân Việt Nam…
      Kể cả về tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác; bảo hộ quyền sở hữu đối với vốn đầu tư và các quyền lợi hợp pháp khác của nhà đầu tư nước ngoài; được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật VN;…
      Tính tới cuối năm 2022, Việt Nam có quan hệ với trên 1.000 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, trong đó có hơn 500 tổ chức đăng ký hoạt động thường xuyên tại Việt Nam. Hiện nay, quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang chuyển dần từ quan hệ cho nhận đơn thuần sang quan hệ hợp tác, đối tác phát triển, có những thay đổi trong mô hình hợp tác, nâng cao năng lực cộng đồng. Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã có đóng góp tích cực vào nỗ lực phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam, thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt là trong công tác xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống của người dân ở các vùng thụ hưởng.
      Hệ thống pháp luật Việt Nam và cơ chế vận hành tạo ra hệ thống giám sát chặt chẽ, khoa học, đảm bảo sự tuân thủ của các cơ quan công quyền trong thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền nói chung, hạn chế sự phân biệt chủng tộc nói riêng trong quá trình thực thi công vụ. Việc giám sát thực thi nhân quyền được thực hiện bởi 03 chủ thể gồm cơ quan lập pháp, cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặc dù chưa thành lập cơ quan nhân quyền độc lập có thẩm quyền giải quyết tất cả các hình thức phân biệt đối xử, tuy nhiên, hệ thống tư pháp Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và nguồn lực để xử lý những vi phạm nhân quyền nói chung. Hệ thống pháp luật Việt Nam có quy định rất rõ về việc xử lý những vi phạm quyền con người như Bộ luật Hình sự, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Theo đó, các văn bản luật đều có nội dung yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo về vi phạm nhân quyền, theo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra thi hành nghiêm chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định xử lý của mình.
      Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền cho người DTTS và Người nước ngoài tại Việt Nam đặc biệt là từ khi Việt Nam gia nhập Công ước CERD vào năm 1982. Hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam được xây dựng và phù hợp với các quy định trong luật pháp quốc tế. Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực phát triển bảo đảm bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
      Nhằm thực thi tốt hơn nữa với vai trò là thành viên Công ước, Việt Nam cam kết thúc đẩy tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về Công ước trong cả nước nói chung và đặc biệt vùng DTTS&MN nói riêng. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá trong thực thi pháp luật, đặc biệt là vai trò giám sát của người dân, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội. Bên cạnh đó, Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế về thực thi Công ước để chia sẻ các kinh nghiệm và các bài học quốc tế trong việc đảm bảo quyền cho người DTTS và Người nước ngoài tại Việt Nam, chống mọi hình thức phân biệt đối xử.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Dịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4,314
  • Hôm nay73,381
  • Tháng hiện tại10,571,922
  • Tổng lượt truy cập383,692,259
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây