Các hình thức điều trị
Điều trị ngoại trú: Trong hình thức điều trị này ở nước ta hiện nay, phổ biến là điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone và điều trị tại cộng đồng như tại Điểm tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ điều trị tại cộng đồng; hoặc mô hình Điểm vệ tinh của cơ sở điều trị tự nguyện do ngành LĐTBXH trực tiếp quản lý đang được xây dựng.
Điều trị nội trú ngắn hạn: Thời gian điều trị thường dài nhất chỉ tới 30 ngày (01 tháng), chủ yếu điều trị giai đoạn cấp tính như cắt cơn giải độc, các rối loạn tâm thần mức nặng và hướng dẫn các kỹ năng dự phòng tái nghiện. Điều trị nội trú ngắn hạn thường gắn với hình thức điều trị tự nguyện.
Điều trị nội trú: Thường có trong điều trị bắt buộc đối với người nghiện đã bị xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, một số địa phương cũng áp dụng hình thức điều trị này cho điều trị tự nguyện mà kinh phí do ngân sách nhà nước chi trả toàn bộ hoặc một phần. Theo khuyến nghị của UNODC và WHO thì điều trị nội trú thường chỉ nên kéo dài đến 90 ngày (3 tháng), không khuyến khích thời gian điều trị dài như hiện nay đang thực hiện ở Việt Nam (từ 1-2 năm).
Các biện pháp điều trị và cơ sở điều trị
Điều trị tự nguyện
- Tại các Điểm tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ điều trị tại cộng đồng;
- Tại cộng đồng, do UBND các xã/phường/thị trấn tổ chức điều trị thông qua các hoạt động hỗ trợ điều trị và phục hồi;
- Tại các cơ sở cai nghiện dân lập;
- Tại các cơ sở cai nghiện tự nguyện hoặc cơ sở đa chức năng do ngành LĐTBXH trực tiếp quản lý;
- Tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (methadone/buprenorphine,…).
Điều trị bắt buộc:
Tại cộng đồng, do UBND các xã/phường/thị trấn tổ chức điều trị thông qua Tổ công tác cai nghiện tại cộng đồng; Tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc khu vực bắt buộc trong cơ sở đa chức năng do ngành LĐTBXH quản lý. Việc đưa người vào cai nghiện bắt buộc được thực hiện thông qua Quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện về biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc./.